Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 ngàn tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước là trên 189 ngàn tỷ đồng. Từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 ngàn tỷ đồng. Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 huy động được trên 15,1 ngàn tỷ đồng.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế như các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh.
Xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.
Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
“Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát.
Thiếu vắng 2 vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu" trong báo cáo
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là chuyên đề giám sát tối cao, thông qua đây làm rõ được thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan và giám sát phải gắn với trách nhiệm…
Ông đề nghị nói thêm việc thanh quyết toán, nhất là nguồn ngoài nhà nước. Hiện còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán? Bao nhiêu chưa được chi trả? Quá trình giám sát có thấy khúc mắc gì không?
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại việc có hai sai phạm rất lớn trong lĩnh vực này là "chuyến bay giải cứu" và vụ Việt Á.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng báo cáo giám sát đang thiếu vắng 2 vụ việc nổi cộm là "chuyến bay giải cứu" và vụ kit xét nghiệm Việt Á.
"Đọc cả hơn 110 trang báo cáo giám sát đầy đủ với hơn 400 chú thích chỉ thấy 3 dòng nói về vụ án kit xét nghiệm Việt Á", ông Thanh nói.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu cần đề cập cụ thể hơn về 2 vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu trong báo cáo giám sát.