Khách quốc tế vẫn gặp khó khi du lịch Việt Nam

(VOH) - Mục tiêu đón 3 triệu 500 ngàn lượt khách quốc tế trong năm nay khó đạt được dù ngành du lịch thành phố đã nỗ lực phục hồi các hoạt động.

Cho đến hết tháng 8, TPHCM chỉ đón hơn 1 triệu 300 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu từ thị trường Đông Nam Á, một ít từ Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Châu Âu, Mỹ. Mục tiêu đón 3 triệu 500 ngàn lượt khách quốc tế trong năm nay khó đạt được dù ngành du lịch thành phố đã nỗ lực phục hồi các hoạt động.

Khảo sát của phóng viên ở khu vực trung tâm quận 1 - nơi có nhiều di tích, công trình kiến trúc lịch sử của thành phố như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống nhất… khách du lịch quốc tế có phần nhộn nhịp hơn trong 2 ngày cuối tuần. Phần lớn trong số đó là khách từ thị trường Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia), Hàn Quốc. Lác đác có khách từ Châu Âu, Mỹ,… nhưng số lượng không nhiều.

Chăm chú nghe thuyết minh về điểm nhấn của kiến trúc Bưu điện Trung tâm Thành phố cùng nhóm bạn của mình, anh Brian - du khách Mỹ, vẫn không quên tìm kiếm và thưởng thức ly cafe Katinak đậm hương vị Việt. Brian cho biết trước khi đến Việt Nam anh làm thủ tục xin thị thực (visa) trực tuyến. "Tôi làm thủ tục xin visa trực tuyến hơi lâu một chút, sau chừng 1 tháng tôi được thông báo đã có visa. Tuy nhiên, chuyến bay trực tiếp từ Mỹ đến Việt Nam hiện nay giá cả hiện vẫn rất cao, điều đó sẽ làm cho nhiều người cân nhắc về chuyến đi của mình. Trong 2 tuần ở Việt Nam, tôi sẽ đi thăm TPHCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số địa danh khác".

Khách quốc tế vẫn gặp khó khi du lịch Việt Nam 1
Khách đến TPHCM tham quan Bưu điện TP đa phần là khu vực Đông Nam Á

Khó khăn xin visa nhập cảnh nên nhiều du khách nước ngoài đều cho biết sẽ dành thời gian được cho phép để khám phá Việt Nam. Chị Pei (du khách Mỹ) chia sẻ: "Tôi ước gì Việt Nam có thể tăng thêm thời gian lưu trú của thị thực lên 30 ngày, thậm chí là 60 ngày càng tốt để chúng tôi có thể được ở lâu hơn. Đất nước Việt Nam rất đẹp nhưng 2 tuần là không đủ để chúng tôi trải nghiệm và khám phá vùng đất này. Tôi thấy một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đã kéo dài thời gian thị thực cho khách nên Việt Nam cũng xem xét và cân nhắc để tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến đây. Thị thực điện tử cũng nên dễ dàng hơn".

Gần 20 năm gắn bó với công việc của một hướng dẫn viên du lịch (DHV) quốc tế, anh Trần Ngọc Thanh (TPHCM) cho biết, sau 2 năm nghỉ dịch, anh rất bị động trong tìm kiếm và thích nghi với một công việc mới. Vì thế, ngay khi Chính phủ mở cửa lại các đường bay thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế trở lại Việt Nam, anh rất vui. Tuy vậy, theo anh, giai đoạn này, khách quốc tế cũng rất ít nên các công ty ít có tour và họ không ký hợp đồng dài hạn với HDV mà chủ yếu là hợp đồng thời vụ theo từng đoàn. Thực tế ấy đòi hỏi bản thân anh phải chủ động tự tìm kiếm nguồn khách lẻ từ bạn bè hoặc qua sự giới thiệu từ những du khách đã từng được anh hướng dẫn trước đây.

Anh Thanh mong muốn Chính phủ tiếp tục mở cửa hơn để du lịch thực sự “sống trở lại”: "Hôm nay, tôi có một đoàn 5 khách, bao gồm 3 khách Mỹ và 2 khách người Singapore. Họ tìm thấy tôi từ trên một trang web chuyên về du lịch và các bạn đã nhờ mình tập hợp làm hướng dẫn chung để giúp đoàn khám phá City tour nửa ngày. Thời gian này, không dễ dàng cho các công ty làm du lịch inbound với rất nhiều khó khăn và cản trở khi xin visa cho khách".

Khách quốc tế vẫn gặp khó khi du lịch Việt Nam 2
Anh Trần Ngọc Thanh, HDV quốc tế đang hướng dẫn cho nhóm khách tham quan Bưu điện TP.

Từ trải nghiệm thực tế công việc, anh Thanh cũng chia sẻ, số lượng khách du lịch mà anh hướng dẫn từ tháng 8 tới nay có một ít từ Châu Âu như: Tây Ban Nha, Đức, nhiều nhất là Singapore. Cũng có một số khách du lịch Mỹ muốn đến Việt Nam nhưng theo anh, họ vẫn cảm thấy rất khó xin visa. Nhiều du khách Mỹ ví von, du lịch Việt Nam nói đã mở cửa nhưng thực sự vẫn còn nhiều rào cản khiến họ chưa thể vượt qua.

Do khó khăn trong thủ tục cấp visa nên du khách quốc tế từ các thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây vẫn chưa trở lại như giai đoạn trước dịch, hoạt động inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam) vì vậy khó phục hồi. Đại diện một hãng lữ hành tại TPHCM cũng cho biết, do ít hành khách đi lại nên giá vé máy bay đến Việt Nam còn cao cũng là một trở ngại làm giảm sức hút của điểm đến.

Đại diện này cho biết: "Qua khảo sát của chúng tôi, giá vé rẻ nhất đến Việt Nam từ Mỹ là của Hãng China Airlines (Đài Loan) với gần 1.000 USD nhưng phải quá cảnh và ngủ lại một đêm ở Đài Loan. Còn bay trực tiếp có giá rẻ nhất là của Japan Airlines, giá vé tầm 1.560 USD nhưng phải đặt vé với thời gian khởi hành chuyến bay rất xa mới có được giá này".

Trong khuôn khổ các sự kiện của Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (từ ngày 7- 9/9), tại các diễn đàn, các hội thảo truyền thông điểm đến TPHCM, các diễn giả, cơ quan quản lý ngành du lịch trong nước cũng đề xuất Chính phủ xem xét, có phương án tạo điều kiện nới lỏng hơn trong việc cấp visa để tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM bày tỏ: "Qua các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo, các diễn giả và những người mua quốc tế vẫn mong muốn chính sách visa của Việt Nam phải đơn giản hơn. Visa của chúng ta hiện nay cấp là 15 ngày, nếu muốn nâng lên thì phải sửa Luật - điều này phải rất lâu. Chúng ta có thể đơn giản hóa thủ tục với du khách đã ở Việt Nam 15 ngày rồi, họ chỉ cần làm thêm cái gì nữa thôi là được ở thêm 15 ngày nữa chứ không phải làm nguyên một bộ hồ sơ khó khăn như thủ tục ban đầu. Chính sách visa điện tử bây giờ cũng phải nhanh hơn nữa chứ không mất thời gian như hiện nay".

Như vậy, bên cạnh visa, giá vé may bay đang là rào cản khiến inbound khó phục hồi như kỳ vọng, dù đây là mùa trú đông hằng năm của khách du lịch quốc tế. Mục tiêu 3,5 triệu lượt khách mà TPHCM đặt ra trong năm nay cũng sẽ khó đạt được nếu không có những giải pháp và những chỉ đạo quyết liệt hơn để gỡ khó các “rào cản” này.