Khó kiểm soát nạn bạo hành tại nhóm giữ trẻ gia đình, mầm non tư thục

(VOH) - TPHCM hiện có hàng ngàn trường mầm non tư thục, nhóm trông giữ trẻ gia đình và không dễ kiểm soát bạo hành tại các đơn vị này.

Sáng nay, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM về nạn bạo hành trẻ, độ an toàn khi gửi trẻ tại hệ thống mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga tỏ ra bức xúc, bà cho rằng với nhóm mầm non ngoài công lập, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ về bạo hành, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với trẻ.

Thường thì ở các nhóm này, mức học phí khá thấp, chỉ dao động 1,1 triệu đến 1,3, các nhóm trẻ này đóng quanh địa bàn các khu công nghiệp – khu chế xuất thu hút con em của lực lượng công nhân lao động .

Vì phù hợp với túi tiền eo hẹp của mình nên công nhân lao động không còn cách nào khác họ phải gửi trẻ vào cơ sở này. Như vậy, bà Nga đặt vấn đề TPHCM sẽ có chủ trương gì để hỗ trợ các chủ đầu tư để họ mạnh dạn đầu  tư vào xây dựng nhà trẻ, trường mầm non dành cho con em công nhân lao động.

Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Mạnh Trí lưu ý: thời gian qua, đặc biệt với những vụ bạo hành trẻ trên địa bàn TPHCM đã có sự vào cuộc xử lí quyết liệt của Ủy ban. Điều này rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, liệu Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có tham mưu gì để giải quyết căn cơ vấn đề bạo hành trẻ em, làm sao chúng ta ngăn chặn từ gốc, để thời gian tới không còn xảy ra những vụ việc đau lòng và khiến dư luận bức xúc như vậy.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố trả lời chất vấn (Ảnh: HL)

Về quản lý trường mầm non, nhóm trẻ mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình và vụ việc gây bức xúc bạo hành trẻ em vừa qua, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM trả lời: theo phân cấp quản lý, quy trình cấp phép các trường này thẩm quyền của ủy ban quận, huyện, và ủy ban phường – xã quản lý trực tiếp công việc này.

Sở đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị liên quan đi kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở này. Năm vừa rồi Sở đã phối hợp đi kiểm tra 19 quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Thống kê của Sở, riêng số nhóm độc lập, tư thục số lượng rất lớn. TPHCM hiện có 1.845 số nhóm lớp độc lập tư thục, số hoạt động độc lập và bạo hành thường xảy ra ở nhóm này. Dao động ở các nhóm này thường có khoảng 8 đến 10 trẻ, hoặc trên 20 trẻ.

Ngoài ra, Thành phố có khoảng 544 hộ giữ trẻ gia đình có đăng ký, còn không phép hay không đăng ký qua kiểm tra còn rất nhiều vì nhu cầu ngoài xã hội cần gửi trẻ rất cao.

Về vụ việc bạo hành trẻ, quan điểm của Sở là xử lý nghiêm những cá nhân mất tư cách đạo đức như vậy.