Riêng trong năm 2022, có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bán qua kênh ngân hàng với tổng phí khai thác mới lên gần 23.800 tỷ đồng. Con số này chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh bảo hiểm nhân thọ trong năm ngoái.
Đây là những số liệu được ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV) chia sẻ tại họp báo ngày 24/4.
Đọc thêm: Bộ Tài chính yêu cầu MVI rà soát hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của diễn viên Ngọc Lan
Trong khoảng 2-3 năm qua, nhiều người dân bức xúc với chất lượng tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt đối với kênh phân phối qua ngân hàng. Nhiều người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay, thậm chí bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ.
Kênh bancassurance hứng chịu nhiều phản hồi tiêu cực trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên cho tới nay, doanh nghiệp và ngân hàng đều không công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng qua năm thứ hai và năm thứ ba.
Về góc độ Hiệp hội bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng ủng hộ việc công khai chỉ tiêu này để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Trước mắt, doanh nghiệp và ngân hàng nên đưa chỉ tiêu này vào trong các hợp đồng hợp tác, qua đó cải thiện chất lượng tư vấn.
Tính toàn thị trường đến cuối tháng 3/2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối 2022. Theo ông Dũng, có nhiều nguyên nhân khiến số hợp đồng giảm vào cuối tháng 3, do một số lượng hợp đồng đáo hạn và thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực giai đoạn vừa qua.
Thống kê từ Hiệp hội bảo hiểm, hiện có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cả tổ chức và cá nhân. Tính chung cả kênh truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, chỉ riêng năm 2022 hiệp hội đã đưa hơn 3.150 người bán bảo hiểm vào danh sách xử phạt, không được hành nghề trong ít nhất 5 năm.
Trong vòng ba năm nay, có tổng cộng hơn 9.000 đại lý bảo hiểm đã bị đưa vào danh sách xử phạt bao gồm cả những người tư vấn mập mờ, nói sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm.
Hiệp hội bảo hiểm cho biết đã làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm và thống nhất nhiều giải pháp để lành mạnh thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cam kết rà soát việc đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý đã đăng lý với Bộ Tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ có hình thức đào tạo bổ sung để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng số lượng hợp đồng cuối năm 2022 đạt hơn 13,9 triệu hợp đồng (+5%). Tổng doanh thu cả năm đạt gần 178.330 tỷ đồng (+12%). Năm 2022 ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tổng số tiền chi trả đạt hơn 44.180 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý đầu năm nay đạt hơn 11.530 tỷ đồng (+29,2%). |