Chờ...

"Không nên miễn thị thực cho các đối tượng vào khu kinh tế ven biển"

(VOH) - Ngày 14/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu cho rằng quy định Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với người nước ngoài khi đáp ứng đủ 3 điều kiện là còn quá lỏng lẻo và thiếu các bằng chứng thuyết phục.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, ngày 14/11/2019

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, ngày 14/11/2019

Các đại biểu nhấn mạnh, quy định này sẽ làm tăng nguy cơ về quốc phòng an ninh, nhất là khi miễn thị thực không phải là giải pháp tối ưu để thu hút khách du lịch, mà thu hút khách du lịch phải bằng sản phẩm du lịch, bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa và tạo môi trường tốt, an toàn.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi mà việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo. Tại trang 12, Báo cáo tổng kết thi hành luật cho thấy, tạm trú quá thời hạn cho phép là vi phạm phổ biến, ở đây các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện việc tổ chức đánh bạc, buôn bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn của người nước ngoài, chưa kể đến hàng loạt vi phạm khác như lao động không phép, kinh doanh dịch vụ trái phép, lợi dụng làm hướng dẫn viên cho người nước ngoài để xuyên tạc lịch sử Việt Nam, trộm cắp, tội phạm công nghệ cao…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nói thêm, quy trình cấp thị thực nên theo hướng đơn giản thuận lợi, đặc biệt là đối với bà con kiều bào và không phải cứ miễn thị thực là thu hút khách du lịch mà vấn đề là thu hút khách du lịch bằng sản phẩm du lịch, môi trường tốt và bảo tồn di sản văn hóa. 

"Đối với những người vào khu kinh tế ven biển, ví dụ là nhà đầu tư, người lao động, những người vào làm ăn mà chúng ta xác minh được họ có mục đích như vậy thì sau khi xác minh chúng ta có thể miễn còn tất cả những người khác thì cứ theo quy định bình thường. Vì hiện nay chúng ta đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do, chúng ta đã miễn thị thực đơn phương, có thể xin thị thực bằng con đường điện tử và có thể xin thị thực ngay tại sân bay khi đến. Với tất cả những điều kiện ấy thì không có việc gì mà miễn một cách vô điều kiện đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển. Tôi thấy quy định như thế là hết sức lỏng lẻo. Ngoài ra, khi chúng ta quy định như vậy sẽ sinh ra vấn đề là càng dễ dãi, càng lỏng lẻo thì công việc của chúng ta lại càng tăng lên, trách nhiệm bảo vệ an toàn của chúng ta càng vất vả và các lực lượng bảo vệ lại càng quá tải."

Theo đại biểu Nguyễn Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng, một số điều kiện đi kèm quy định này không có ý nghĩa, trong bối cảnh việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo:

“Theo tôi, cần cân nhắc quy định này vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Dự thảo lấy lý do về việc đã áp dụng cơ chế đặc thù 4 năm với đảo Phú Quốc nhưng chưa đủ để thực hiện tại khu vực kinh tế ven biển trên toàn quốc. Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn của người nước ngoài nấp dưới danh nghĩa du lịch.” - đại biểu Nguyễn Kim Thúy nói.

Liên quan đến vấn đề tạo điều kiện cho du khách nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam cho rằng, cần tăng thời hạn thị thực và thời gian tạm trú đối với người đến tham quan, du lịch. Theo đại biểu, đây là kinh nghiệm mà Thái Lan đã thành công trong phát triển du lịch. 

"Xu hướng lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, du lịch chăm sóc sức khỏe của người nghỉ hưu từ các nước phát triển ngày càng rõ nét. Trong khu vực Asean, Thái Lan và Malaysia là những nước đã đón đầu xu hướng này. Tất nhiên, điều kiện để được cấp loại visa này đi cùng với các điều kiện phải chứng minh về bảo đảm tài chính phương pháp bảo hiểm y tế.” - đại biểu Trần Thị Hiền cho biết. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc tăng thời hạn thị thực và thời gian tạm trú đối với người nước ngoài vào Việt Nam vì thời gian qua số người nước ngoài vi phạm pháp luật nước ta gia tăng. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều người mang “vỏ bọc” du lịch nhưng lại là tham gia vào đường dây ma túy, tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia. Nhiều trường hợp chưa có quy định cụ thể để xử lý, ngoài việc buộc xuất cảnh.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ - Trong phiên làm việc sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 14/11/2019: Tông vào lề cầu Bình Lợi, 2 người thương vong  – Rạng sáng hôm nay, hai thiếu niên chở nhau trên xe máy đã tông vào lề cầu Bình Lợi khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng.