Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương

(VOH) - Trong tuần làm việc đầu tiên của đợt 2 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận tại hội trường về tình hình KTXH, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia...

Phần lớn các đại biểu đều đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chính phủ giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt trong cả nhiệm kỳ, ngay cả khi nhiều nước bị tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid 19, thì nước ta vẫn tăng trưởng dương từ 2%-3%.

Theo báo cáo của Chính phủ dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020.

Trong 4 năm liên tiếp từ 2016-2019, nước ta cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Tất cả các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra những điểm sáng của kinh tế Việt Nam: “Điểm sáng đầu tiên là công tác phòng chống tham nhũng có nhiều kết quả tích cực tạo nhà đầu tư có thêm niềm tin, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Chính phủ phát động thành công 3 đợt cải cách hành chính cắt giảm hàng ngàn thủ tục. Chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh”.

Khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

Cùng với tác động lớn của đại dịch Covid-19, trong năm 2020 nước ta còn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn đầu năm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng.

Trong bối cảnh đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội kết quả thực hiện mục tiêu kép của nước ta rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm Covid-19: “Năm 2019 tăng trưởng 7%, năm 2020 còn tăng trưởng 2%-3%, tuy nhiên đây là con số ấn tượng. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại”.

Kinh tế năm nay phụ thuộc nhiều vào kết quả chống dịch Covid-19, nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại thì mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tới cả kế hoạch, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung các biện pháp để kiểm soát bằng được dịch Covid 19. Đồng thời cần đánh giá lại gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bởi đó là lực lượng rất quan trọng để phục hồi kinh tế.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM giai đoạn 5 năm tới sẽ là thời gian quyết định liệu đất nước có cất cánh, có đạt được trình độ cần thiết và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không: “Hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho chặng bay mới thì 10 năm tới đây chúng ta phải cất cánh và đạt được bình độ cần có. 5 năm tới có ý nghĩa quyết định nhất đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng thì mãi mãi khát vọng chỉ là khát vọng mà thôi”.

Dự báo giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần sự đồng lòng, vào cuộc của các ngành, các cấp, quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu ngân sách, thu hồi các khoản nợ thuế, đồng thời dự toán thu chi ngân sách cần sát hơn, đảm bảo hoàn thành dự toán cùng với đó tiếp tục cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên, rà soát các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm tiến độ…

Những tồn tại trong chương trình sách giáo khoa lớp 1 vừa qua cũng được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên qua. Các đại biểu cũng đặt vấn đề vì sao những “hạt sạn” đó chỉ được phát hiện khi đưa vào giảng dạy, dù trước đó Bộ Giáo dục đào tạo, Hội đồng thẩm định, tác giả viết sách đều cho rằng đã làm hết trách nhiệm.

Các đại biểu cũng đề nghị thẩm định lại toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xem có sai phạm hay không. Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin lại: Chúng tôi có kiểm tra và thấy ý kiến của nhân dân có một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm lý trẻ, do đó Bộ đã yêu cầu tiếp thu chỉnh sửa. Không chỉ sách tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều mà các bộ sách khác cũng đang được rà soát lại”.

Trong ngày làm việc cuối, tuần đầu của đợt thứ 2, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến kéo dài 2 ngày rưỡi. Đặc biệt trong phiên chất vấn lần này không tập trung vào một số Bộ trưởng như các kỳ họp trước mà các đại biểu sẽ chất vấn tất cả các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội ban hành cho cả nhiệm kỳ.

Do đó gần như tất cả các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng và cả Thủ tướng cũng sẽ tham gia trả lời. Ngay trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn có đến 10 Bộ trưởng và 2 Phó Thủ tướng đăng đàn trả lời hơn 40 câu hỏi của các đại biểu.

Trong số đó thì Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài nguyên và Môi trường là 2 bộ nhận được nhiều chất vấn nhất. Các đại biểu quan tâm nhiều đến nguyên nhân dẫn đến mưa lũ, sạt lỡ đất ở miền trung và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những phân tích và giải pháp hợp lý cho thời gian tới. Dù nhận được sự trả lời khá chi tiết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhưng một số đại biểu, trong đó có đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, đoàn tỉnh Gia Lai bày tỏ không đồng tình: “Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ nữa hay không? Bộ trưởng chỉ cần trả lời có hay không. Thứ 2 theo Bộ trưởng thì ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay, liên quan đến vụ sạt lở vừa qua ở miền Trung”.

Ở lĩnh vực thông tin truyền thông, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến vấn nạn tin giả, tin xấu độc trên mạng, hay những video clip mang tính bạo lực, trái thuần phong mỹ tục đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đây là vấn nạn toàn cầu, diễn ra nhiều trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác định làm sạch thông tin mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý. Hiện nay đã có trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, mỗi ngày có thể rà soát, phân tích để xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu độc. Cùng với đó phối hợp với Facebook, Youtube để gỡ bỏ các thông tin xấu độc. Bộ Thông tin-Truyền thông đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ với tỷ lệ ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả: “Mỗi tháng tháo gỡ hàng ngàn video xấu độc.Thời gian tới sẽ làm kiên quyết hơn. Năm 2021 sẽ có công cụ phát hiện và xử lý video xấu độc”.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm và đánh giá cao  công tác phòng chống dịch Covid-19 của nước ta thời gian qua. Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp và Chính phủ có giải pháp căn cơ nào trong thời gian tới. Qua diễn đàn Quốc hội Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương, người dân cần phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống Covid-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chung sống một cách an toàn song song với phát triển kinh tế xã hội: “Tôi rất tha thiết đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội, tất cả các ngành chúng ta không thể chủ quan được, bởi ngày hôm nay là thế giới là nửa triệu ca nhiễm mới một ngày. Chúng ta vẫn yên bình như thế này thì phải chung sống với dịch và đầu tiên là trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, rồi đến tất cả cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ búa, siêu thị, nhà máy, công sở tới đây tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, chống dịch đến từng người dân”.

Ngày mai 9/11, bước sang tuần làm việc thứ 2 của đợt 2 kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiếp tục dành 2 ngày đầu tuần để chất vấn và trả lời chất vấn tất cả các lĩnh vực. Sau khi các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng tham gia trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời những vấn đề mang tính vĩ mô và định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ dành thời gian để làm công tác nhân sự, thảo luận các dự án luật và tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đài TNND TPHCM (VOH) thường xuyên cập nhật nội dung các buổi làm việc và chuyển đến quý vị trong các chương trình thời sự và trên trang web: VOH.com.vn.