Vấn đề bảo vệ môi trường và thủy điện được thảo luận tại Quốc hội

(VOH) - Chiều qua 4/11, trong ngày thứ 2 Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính, chương trình quốc gia, thuỷ điện, bảo vệ môi trrường...

Trước quốc hội, Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm, chia sẻ đau thương mất mát của đồng bào miền Trung trong mưa lũ vừa qua. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng. Ban Bí thư đã có chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tận nơi thăm bà con dân tộc thiểu số, chỉ đạo cấp gạo, cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để dân bị bệnh không được cứu chữa.

Ông Đỗ Văn Chiến xúc động nói:"Đây không chỉ là mệnh lệnh của Thủ tướng mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Quân đội, công an ngày đêm tham gia cứu giúp người dân, đưa cả trực thăng cứu trợ. Trong hoạn nạn, chúng tôi mới thấy tình đồng chí, nghĩa đồng bào"

Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 4/11/2020. Ảnh TTXVN

Theo ông, Ủy ban dân tộc sẽ tham mưu Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên tăng thêm nguồn lực cho các tỉnh bị lũ lụt miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở, phục hồi sinh kế cho đồng bào, ổn định cuộc sống của người dân nơi đây.

Giải trình ý kiến các đại biểu về hoạt động thủy điện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói đây là vấn đề được quan tâm đặc biệt, đặt trong hàng loạt sự giám sát. Cả nước có 429 đập thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước 56 tỷ m3, công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37% công suất điện hiện nay. Không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, cũng như đời sống dân sinh, song ông Tuấn Anh nêu rõ đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức khai thác của con người.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu cụ thể, đánh giá các mặt còn hạn chế, từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong việc phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực". Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Chúng ta vẫn đáp ứng được các quy định của Đảng và Nhà nước về thuỷ điện, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo bảo vệ môi trường”

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, dành nhiều sự quan tâm đến phát triển bền vững. Bà bày tỏ Quốc hội thảo luận trong bối cảnh thiên tai xảy ra nặng nề ở miền Trung. Do đó, hơn bao giờ hết chúng ta cảm nhận được sự quan trọng của phát triển bền vững. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu.

Trước hết, về các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai ghi nhận Việt Nam là quốc gia có tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Thời gian qua, nguồn khai khoáng mang lại nguồn thu nhất định cho Nhà nước thông qua nộp thuế, năm 2019 thu thuế từ tài nguyên hơn 36.700 tỷ, năm 2020 ước đạt hơn 22.500 tỷ. Nhưng đây cũng là sắc thuế thất thu lớn nhất, do chưa kiểm soát được sản lượng khai thác, trong khi lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư không nhỏ. Theo Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, bên cạnh lợi ích kinh tế, hoạt động này tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững.

“Nó làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm không khí, phá hủy nguồn sinh thái, dẫn đến phá hủy tài nguyên rừng, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên không tái tạo”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị cơ quan chức năng cần phân bổ nguồn lực tương ứng để bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới.

Hôm nay 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia…

Bình luận