Kỷ niệm 91 năm - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Kỷ niệm 91 năm - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động để tuyên truyền, nhắc nhớ và ra sức thi đua để chào mừng gồm: Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 tại các khu dân cư. Tổ chức họp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sơ kết thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt thứ 4, rút ra những bài học kinh nghiệm trong vận động và huy động sức dân trong thời gian khó khăn của đại dịch.
Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tổ chức Giải báo chí, chủ đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố vì hạnh phúc của Nhân dân”. Thực hiện bản tin số đặc biệt để ghi nhận những nỗ lực của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và tổ chức thành viên trong năm qua.
Dịp này, Đài TNND TPHCM (VOH) có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh:
*VOH: Thưa bà, kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta, Mặt trận Tổ quốc đặt ra mục tiêu tập hợp và phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu vì nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Nhân kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà có chia sẻ gì về những cột mốc, thành tựu nổi bật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đến nay?
Bà Tô Thị Bích Châu: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nối truyền thống của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, tập hợp các giới, các tầng lớp Nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, khơi dậy ý thức tự hào và tự tôn dân tộc để cùng xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, nghĩa tình, là đầu tàu kinh tế cả nước.
Hơn 30 năm đổi mới, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ đoàn kết, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hình thành nên những phong trào rộng lớn của quần chúng, không chỉ lan tỏa sâu rộng trên địa bàn mà sau đó còn trở thành những phong trào chung của nhân dân cả nước. Đây cũng có thể xem là một đóng góp quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh vào sự nghiệp Đổi mới của đất nước, trong đó phải nói đến Cuộc vận động Vì người nghèo được phát động năm 2001 và Cuộc vận động “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” năm 2009 nay gọi là Cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
*VOH: Để đảm bảo các nhiệm vụ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra, trong quá trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc TPHCM, với vai trò tập hợp, phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tại một thành phố với những đặc trưng là trung tâm kinh tế, đông dân, nhiều lao động nhập cư…, thì chắc chắn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM gặp không ít khó khăn, thách thức nói chung. Vậy bà chia sẻ thêm về những vấn đề này xuyên suốt quá trình hoạt động từ trước đến nay?
Bà Tô Thị Bích Châu: Thành phố Hồ Chí Minh có thực tế hơn 10 triệu dân, lợi thế là mặt giao thoa, đa dạng về văn hóa, về nguồn cung ứng lao động là điều rất dễ nhận thấy. Mặc dù vậy, chính vì dân cư đông đúc, nhiều lao động di cư nên việc nắm tình hình Nhân dân và công tác ghi nhận, định danh khi thực hiện chăm lo an sinh xã hội cũng gặp khá nhiều vấn đề khó khăn.
Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội ở đợt dịch thứ 4, nhu cầu cần hỗ trợ là rất nhiều, mà nguồn lực của Thành phố thì có hạn, Thành phố chỉ đáp ứng một phần nào người khó khăn cần hỗ trợ, do đó, chúng tôi đã vận động sự tự nỗ lực của mỗi cá nhân; sự chia sẻ chung tay của cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch, hướng đến chung sống an toàn với dịch bệnh.

*VOH: Hiện nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân trên thế giới cũng như tại Việt Nam, trong đó có TPHCM. Tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc “cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” trong chống dịch, vậy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã phát huy vai trò của mình như thế nào, thưa bà?
Bà Tô Thị Bích Châu: Trong đợt dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã vận động Nhân dân cùng chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội, thực hiện nguyên tắc “vắcxin + 5K”. Mặt trận Tổ quốc chủ động tham gia giám sát công tác phòng, chống dịch; giám sát việc chi trả các gói trợ cấp của Chính phủ, Thành phố cho người dân.
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã vận động, tập hợp nguồn lực từ Trung ương, các địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, các cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Tổng số tiền vận động từ đầu năm đến nay là hơn 4.300 tỷ đồng gồm tiền mặt, kinh phí mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hàng hóa. Vận động 670 tu sĩ, tình nguyện viên tôn giáo vào các cơ sở điều trị Covid-19 để chia lửa cùng y bác sĩ; động viên tinh thần của người mắc Covid-19 khi họ không có người thân cạnh bên. Vận động các đội xe thiện nguyện để vận chuyển nhanh nhất nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng hóa, vật tư y tế đến với tuyến đầu và người dân. Đặc biệt là tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong chăm lo cho đoàn viên, hội viên.
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng thường trực của Trung tâm an sinh các cấp, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã vận động và tổ chức thực hiện đóng gói, phân phối hơn 2,4 triệu túi an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” với chủ đề “Triệu người có giúp nhiều người khó” trên ứng dụng An sinh để hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời sẽ xây dựng đề án thành lập Trung tâm an sinh để có biện pháp lâu dài, căn cơ cho bài toán an sinh xã hội của Thành phố.
*VOH: Nhân đây thì bà cho biết thêm về những phương hướng, trọng tâm chính trong kế hoạch hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò ngày càng quan trọng của MTTQ Việt Nam nói chung và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nói riêng?
Bà Tô Thị Bích Châu: Trong thời gian tới, Mặt trận Thành phố bên cạnh những hoạt động thường niên để phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Mặt trận Thành phố sẽ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 để đánh giá hiệu quả tổ chức thực hiện, đồng thời đề ra những giải pháp để tăng tốc triển khai, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Mặt trận Thành phố cũng sẽ tập trung các chương trình, đề án lớn như: Tổ chức thực hiện Đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát Đảng và chính quyền TPHCM giai đoạn 2020 – 2030; xây dựng Đề án thành lập Trung tâm an sinh để có biện pháp căn cơ, lâu dài trong công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân Thành phố; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội để mang lại nhiều giá trị nhất cho người dân./.
*VOH: Xin cám ơn bà!