Lấn cấn trong xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa

(VOH) - Chiều 23/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục làm việc với các nội dung về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời các đại biểu cũng thảo luận tại hội trường về các nội dung liên quan của Luật này.

Báo cáo trước Quốc hôi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: quá trình tổng hợp, lấy ý kiến của các đại biểu có tất cả 12 trang, trong đó, tính khả thi và tính cụ thể của dự án Luật này được đông đảo đại biểu quan tâm vì dự án luật giao Chính phủ quy định nhiều nội dung. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh: "Luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Để bảo đảm Luật có thể sớm đi vào thực tế, toàn bộ nội dung này đã được quy định cụ thể trong dự thảo 4 Nghị định, hướng dẫn kèm theo.

Mặt khác, để đảm bảo khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DN nhỏ và vừa, giảm mức trần về số lao động, bổ sung điều kiện lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia BHXH sẽ thu hẹp đối tượng DN nhỏ và vừa được hỗ trợ theo quy định của luật này. Đối với các trường hợp có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ".

Quý vị có thể nghe toàn bộ ghi nhận của phóng viên Hữu Nghị từ Hà Nội hoặc đọc chi tiết

 

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội, dự thảo luật lần này tiếp tục bỏ các quy định liên quan có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi bổ sung các Luật khác. Cụ thể, so với ban đầu, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này có 36 điều, rút và giảm được 2 điều so với ban đầu đồng thời có bổ sung, điều chỉnh cụ thể cho phù hợp với thực tế hơn.

 Đại biểu Cao Thị Giang, đoàn Quảng Bình phát biểu tại buổi thảo luận ở hội trường

Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) thì tiêu chí xác định thế nào là DN nhỏ và vừa chưa phù hợp. Bà Giang cho rằng: "Tại điều 4 về tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa, tôi đề nghị không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn, vì tiêu chí này chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối cùng của DN, cũng không phản ánh thực chất việc phân loại DN.

Ví dụ, có một vài DN có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng nhưng vốn thực chất huy động để sản xuất nhỏ hơn 100 tỷ đồng, do vốn điều lệ không cấp đủ theo quy định mà DN phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động. Như vậy, chỉ tiêu này luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng. Do đó, đề nghị nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn. Ngoài tiêu chí lao động chỉ nên xác định tiêu chí doanh thu là phù hợp".

Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 2016 và những tháng đầu năm 2017 do Chính phủ trình Quốc hội mới đây cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao, tập trung chủ yếu vào dịch vụ, số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ thấp.

Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp hiện nay là dù số lượng đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 95%-96%), quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải xem xét cẩn thận, sớm thông qua để hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của DN nhỏ và vừa.

Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Anh Tuấn cho biết, việc thành lập Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa là cần thiết nhưng tính rủi ro của các DN này cũng rất cao nên phải hết sức cân nhắc và cần xác định rõ trách nhiệm của các bên: "Sự tham gia vốn ngân sách vào các doanh nghiệp này có thể sẽ rủi ro cao, có thể thành công hoặc thất bại. Trong đó, cơ chế chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro trong khoản vốn đầu tư này như thế nào, cần làm rõ hơn trong các văn bản ban hành hoặc dự thảo luật.

Việc chia sẻ này thể hiện tinh thần đồng hành cùng DN, chia sẻ rủi ro cùng DN và cả trách nhiệm của tổ chức, quản lý quỹ này như thế nào. Cần xem xét thêm sự tham gia của quỹ trung ương đóng góp thêm nhằm đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo."

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu về xác định Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa

Trước đó, trong buổi sáng, các đại biểu đã dành thời gian thảo luật tại tổ sau khi nghe về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 cũng như Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Cuối buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng đã có buổi làm việc riêng và nhất trí bầu Chủ tịch UBTWMTTQ VN, Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng đoàn Đại biểu QH TPHCM.

Tại buổi thảo luận này, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Một số đại biểu quan tâm về vấn đề Nghị quyết xử lý nợ xấu. Theo tôi, cái này rất cấp bách vì phát sinh lâu nay, nếu không sớm giải quyết đồng bộ, pháp luật sẽ rất khó.

Nếu xử lý, theo tôi có 2 khía cạnh. Nếu chúng ta có Nghị quyết này rồi thì từ nay trở đi, cách xử lý sẽ theo Nghị quyết này nhưng còn các quyết định liên quan đến xử lý nợ thời điểm trước đó thì phải được xem xét theo luật pháp đã có trước khi ra Nghị quyết này, không nên để hồi tố. Áp dụng theo hình thức này, tôi nghĩ vẫn đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật ".

Ngày 24/5, theo chương trình, các đại biểu sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và thảo luận ở hội trường về dự án này. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.