Lễ truy điệu đưa tiễn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng

(VOH) - Chiều 15/8, tại Nhà tang lễ Quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu lúc 14h chiều nay (15/8). Linh cửu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

lê truy điệu 1

Lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh TTXVN

Đúng 12h30, mở đầu lễ truy điệu, Trưởng ban Tổ chức lễ tang - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giới thiệu tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Ông nhấn mạnh: "Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Dân tộc, được tặng thưởng huân chương Sao vàng cao quý, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác.

Trong hai ngày tổ chức lễ quốc tang, tính đến trước giờ truy điệu, đã có 946 đoàn, trên 11.000 người đã đến viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trong số đó, có 2 đoàn đại biểu cấp cao của Campuchia và Lào đã đến viếng và chia buồn, nhiều đoàn ngoại giao cũng đến viếng tại Nhà tang Lễ quốc gia, Hà Nội.

lễ truy điệu 2

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn trước khi tiễn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - Ảnh: TTO

Đọc điếu văn trước khi di quan nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động tưởng nhớ người đảng viên cộng sản trung kiên đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc.

Thủ tướng khẳng định, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân ta và với đồng đội, đồng chí, gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế.

lễ truy điệu 4

Các lãnh đạo dành 1 phút mặc niệm trước khi tiễn biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - Ảnh:TTO

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mới 16 tuổi đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào bình dân học vụ, 18 tuổi ông trở thành Đảng viên cộng sản và tham gia quân đội. "Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có mặt ở những địa bàn khó khăn, ác liệt".

Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đối với việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia, đồng chí Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo, người chỉ huy từ những trận đánh đầu tiên, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Khmer đỏ diệt chủng, giúp đất nước chùa tháp hồi sinh.

di quan

Đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghĩ - Ảnh: TTO

Trên cương vị Tổng bí thư, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.

Là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết trong đảng, luôn thương yêu đồng bào, đồng chí, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết.

Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng chí là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, có trách nhiệm cao với Đảng, với Dân, với Nước, với Quân đội.

Trước anh linh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc đời của ông là tấm gương sáng để các thế hệ kế tiếp noi theo. "Vĩnh biệt đồng chí, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

đáp từ

Con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói lời cảm ơn - Ảnh:TTO

Sau lời điếu văn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc tại lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu,  thay mặt gia đình phát biểu cảm ơn tại lễ truy điệu, ông Lê Minh Diễn, con trai của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bạn bè quốc tế đã quan tâm, chăm sóc nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ khi ông lâm trọng bệnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, đã tổ chức chu đáo lễ quốc tang, đã chia buồn, viếng và tiễn đưa. "Xin cảm ơn Nhân dân đã tạm hoãn các hoạt động vui chơi, giải trí để thực hiện lễ quốc tang" - ông Diễn nói.

Sau đó, linh cữu nguyên Tổng bí thư được đặt trên linh xa di chuyển qua một số tuyến phố chính của Thủ đô Hà Nội trước khi đến nghĩa trang Mai Dịch.

tại TPHCM

Lễ truy điệu tại TP.HCM - Ảnh: TTO

Cùng lúc 12h30, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM đã diễn ra trọng thể lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên. 

Ngoài ra, còn có các lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chức sắc tôn giáo đến dự.

đưa tiễn linh cửu

Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được chuyển lên linh xa. Ảnh: TTXVN

Di quan qua ngã năm Trần Hưng Đạo. Ảnh: TTXVN

Cỗ linh xa đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi qua tuyến phố Tràng Tiền - Hàng Khay về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cỗ linh xa đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi qua tuyến phố Tràng Tiền - Hàng Khay về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: TTXVN

Nhớ Bác Năm Phiêu: Người lãnh đạo giản dị, gần gũi, chân thành - (VOH) -  "Nhớ Bác Năm Phiêu – người lãnh đạo giản dị, gần gũi, chân thành” là ý kiến của các đồng chí, thuộc cấp của đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.