Lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh, cảnh báo ngập lụt

(VOH) – Cảnh báo lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng Tứ giác Long Xuyên. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại các trạm trên sông Tiền, sông Hậu đang lên. 

Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,7m, trên báo động (BĐ)1 0,2m.

Trong khi đó, mực nước trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 3,3m, trên BĐ1 0,3m, tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.

Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước tại các trạm đang lên chậm, trên kênh Tri Tôn tại Cô Tô đang ở mức dưới BĐII 0,16m.

Tại các khu vực kênh Ba Thê tại Vọng Thê dưới BĐII 0,14m; trên kênh Núi Chóc - Năng Gù tại Vĩnh Hanh dưới BĐII 0,06m; trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên tại Núi Sập dưới BĐII 0,13m. 

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh, cảnh báo ngập lụt
Nước lũ lên cao nhanh nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ. 

Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt đỉnh từ ngày 10-13/10. 

Khi mực nước lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.

Trong những ngày qua, mực nước cao nhất ngày khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc và các trạm vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu đang lên, cường suất mực nước cao nhất ngày lên trung bình từ 0,1-0,2m/ngày. 

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và hệ thống dự báo địa phương.

Đặc biệt với những người dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, xác định nơi có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập lụt để phòng tránh. 

Bình luận