Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giải quyết sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

(VOH) – Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong tổng số hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ quan nhà nước tiến hành từ năm 2011 đến nay, cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, còn 90% là kiểm tra.

Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục hoàn thiện Luật thanh tra chỉ điều chỉnh được 10% số lượng. Cơ sở pháp lý nào để điều chỉnh các hoạt động kiểm tra, bởi thanh tra quy định rất chặt chẽ về điều kiện người thanh tra, về căn cứ thanh tra, về quy trình, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động thanh tra.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, hoạt động kiểm tra chỉ có một số luật chuyên ngành quy định, chưa có quy định chung về hoạt động kiểm tra. Vì vậy, có tình trạng các cơ quan nhà nước dùng hoạt động kiểm tra để tiếp cận doanh nghiệp, có những trường hợp lạm dụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tranh luận tại phiên họp, đại biểu cũng cho rằng, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu và kết luận thanh tra còn chậm, còn chồng chéo giữa kiểm toán và kiểm tra.

Theo đại biểu, hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra.

Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giải quyết sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán 1
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập.

Trả lời chất vấn tại phiên họp về vấn đề hơn 10 năm thanh tra, kiểm tra tới hơn 2 triệu cuộc nhưng thanh tra chỉ có 10%, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào.

Thời gian qua, khi báo cáo số cuộc thanh tra, kiểm tra thì lại gộp cả thanh tra và kiểm tra. Nhưng thực chất số thanh tra chỉ khoảng 10%, chủ yếu là kiểm tra. Dự thảo luật đã có điều, khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và quy định riêng cho hai hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Đối với hoạt động kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động kiểm tra không theo trình tự, thủ tục của thanh tra; thông thường theo đặc thù của từng lĩnh vực, từng ngành. Do đó, khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chắc chắn rằng sẽ giải quyết tốt hơn sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Về hoạt động kiểm tra có số lượng rất lớn, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ có chỉ đạo cụ thể khắc phục tình trạng trên.

Về việc hạn chế số lượng thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trong việc tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Tổng Thanh tra, mỗi năm Thanh tra Chính phủ tiến hành 15, 16 cuộc thanh tra, nên hiệu quả của công tác này sẽ phụ thuộc vào các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành. Giải pháp mấu chốt cho vấn đề này vẫn là nâng cao hiệu quả, chất lượng thực chất của các cuộc thanh tra.

Bình luận