Tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố lần thứ 229, do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM phối hợp Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức, bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu - Sổ, Thẻ, Bảo hiểm xã hội TPHCM thông tin về một số điểm mới của Bảo hiểm xã hội được áp dụng từ 15/2/2023.
Quy định mới về trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT được ban hành vào ngày 31/12/2022, sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần so với quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Người lao động mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh làm suy giảm khả năng lao động sẽ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc 01 trong 02 trường hợp sau:
Thứ nhất, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
(Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này phải bệnh tới mức không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. Khi gửi hồ sơ phải ghi rõ nội dung này mới được giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Trong quy định mới thì không cần phải ghi rõ như thế).
Thứ hai, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
Như vậy, điều kiện để rút BHXH một lần ngay mà không cần đợi 1 năm được đơn giản hơn so với quy định trước đây, tạo điều kiện tối đa cho người lao động hưởng được các lợi ích mà BHXH mang lại.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, hiện nay mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên. Cụ thể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Đầu năm 2023, Bộ Lao động đã ra Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH từ 01/01/2023.
Mục đích: Nhằm góp phần bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng BHXH ở các thời kỳ trước. Hằng năm, Bộ Lao động sẽ điều chỉnh lại mức tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá BHXH). Mức trượt giá của năm 2023 này là bằng 1 lần.
Công thức để tính mức trượt giá hiện được tính là:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng Tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
(Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng là hệ số trượt giá BHXH năm 2023)
Hằng năm, nhà nước sẽ có thông báo mức điều chỉnh để cơ quan chức năng điều chỉnh.
Một số điểm mới khác
Thêm một bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH là bệnh Covid 19. Cụ thể:
Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2;
Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-Cov-2. Cụ thể, các công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid 19 tại nhà;
Người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid 19, vận chuyển, khẩm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid 19, người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid 19, nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an và người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid 19.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên được quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, điều 2 của Luật BHXH 2014, thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là quy định hoàn toàn mới mà trước đây tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa đề cập.
Người lao động làm việc ở 2 nơi: Người lao động được quyền ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau.
Theo đó, khi làm việc theo nhiều hợp đồng lao động khác nhau cùng lúc, việc tham gia BHXH của người lao động sẽ có sự khác biệt so với những trường hợp chỉ làm việc theo một hợp đồng lao động.
Đối với hợp đồng thứ nhất thì doanh nghiệp phải đóng đủ 32% tham gia cả BHXH, BHYT, BHTN. Từ hợp đồng thứ 2 trở lên thì doanh nghiệp chỉ phải đóng 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Và người lao động phải có trách nhiệm khai báo cho doanh nghiệp khi làm việc cùng lúc ở nhiều nơi.
Xem thêm: Giải pháp triển khai Nghị quyết 31 Bộ Chính trị để TPHCM phát triển bứt phá
Chính sách BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro: ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, dịch bệnh…góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển.