"Ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát đợt hai"

(VOH) - Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Chiều 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hòa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hòa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu; trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ 3 đến 8/6, 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hoà và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. Có 1 trường hợp tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hòa. Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ Mông.

Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh đến trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và ngành y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch và truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân. Đặc biệt, các đơn vị y tế của tỉnh thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vắcxin Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch.

Tiến sĩ Văn Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho hay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10.000 liều vắc xin Td,  trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Bên cạnh đó, Viện còn cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông (CDC) nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.

Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày. Từ 19h ngày 19/6, ổ dịch tại đội 2 thôn 6 xã Quảng Hoà đã được khoanh vùng cách ly. Cơ bản sau 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21/6, tới nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.

Làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong và các cán bộ y tế ở địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tỉnh Đắk Nông đã kịp thời triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu khá đồng bộ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát đợt hai tại địa bàn. Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk Glong cần áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch COVID-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương. 

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng 

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Phòng bệnh trong những ngày nắng nóng kéo dài như thế nào? - Bộ Y tế vừa có những khuyến cáo phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe trong điều kiện nắng nóng kéo dài năm 2020.
Muốn chữa ‘dứt điểm’ bệnh về dạ dày, các thầy thuốc Đông y khuyên bạn nên sử dụng loại thảo dược này - Củ địa liền là cây cỏ mọc hoang dại khắp nơi trong cả nước và được làm thuốc giúp tiêu viêm, rất tốt cho dạ dày. Vậy cụ thể củ địa liền có tác dụng gì?
Bình luận