Ngày Dân số Việt Nam 2024: Thách thức già hóa và bất bình đẳng giới

VOH - Ngày 26/12 - Ngày Dân số Việt Nam năm 2024 mang chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số vì đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc."

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng dân số. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% (1989-1999) xuống 1,14% (2009-2019). Từ năm 2006, Việt Nam duy trì mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh (TFR) ở mức 2,0-2,1 con/phụ nữ.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Giai đoạn "dân số vàng" từ năm 2007 mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam đầu tư vào giáo dục, y tế và tạo việc làm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, dân số Việt Nam đạt hơn 104 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á về quy mô dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cho thấy sự cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống.

ty le sinh giam TPHCM - Pexels
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những thành tựu, công tác dân số đối mặt với không ít khó khăn. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 16% dân số năm 2023. Dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và tiến tới "siêu già" vào năm 2049.

Điều đáng lo ngại là Việt Nam chỉ có hơn 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội dân số già, một khoảng thời gian rất ngắn so với các quốc gia phát triển. Sự chuyển đổi nhanh chóng này đe dọa đến cơ cấu lực lượng lao động, tăng trưởng kinh tế, và hệ thống an sinh xã hội.

Ngoài ra, bất bình đẳng giới, tảo hôn, và hôn nhân cận huyết vẫn là vấn đề cần quan tâm. Mức sinh thấp tại một số khu vực cũng đặt ra bài toán duy trì mức sinh thay thế để đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai.

Bộ Y tế kêu gọi các địa phương lồng ghép yếu tố dân số vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thúc đẩy tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản. Các chương trình như khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát bệnh lý trước sinh và sơ sinh sẽ được mở rộng.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích sinh đủ hai con, đảm bảo bình đẳng giới, và xóa bỏ tư tưởng lựa chọn giới tính thai nhi là những giải pháp ưu tiên. Đối với người cao tuổi, cần có chính sách tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của họ để đóng góp vào phát triển kinh tế.

Ngày Dân số Việt Nam 2024 là dịp để nhìn nhận các thách thức, đồng thời tạo động lực thực hiện những chính sách dân số toàn diện. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn xã hội, Việt Nam có thể biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội để phát triển bền vững, góp phần xây dựng một đất nước phồn vinh và gia đình hạnh phúc.

Bình luận