Mặc dù tuổi thọ của người dân Việt Nam cao, với tuổi thọ nam giới đứng thứ 5 và phụ nữ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi chỉ khoảng 64 tuổi, trong khi tỷ lệ mắc bệnh mãn tính ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, trung bình một người cao tuổi hiện nay phải sống chung với từ 3-5 bệnh lý khác nhau.
Các bệnh phổ biến bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ và ung thư. Có hơn 27% người cao tuổi cần trợ giúp cơ bản về vệ sinh cá nhân và sinh hoạt hàng ngày, trong khi 90% cần hỗ trợ trong việc sử dụng điện thoại di động và phương tiện giao thông.
Chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi cao gấp 10 lần so với một trẻ em, nhưng hệ thống y tế lão khoa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức.
Số lượng người cao tuổi trên địa bàn TPHCM đang tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2023, có khoảng 1.338.680 người trên 60 tuổi.
Mặc dù tuổi thọ trung bình của dân số TPHCM là 76,3 tuổi, việc đào tạo bác sĩ lão khoa chưa theo kịp tốc độ gia tăng của dân số già, dẫn đến nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Từ giữa tháng 8/2023, ngành y tế TPHCM đã triển khai chương trình khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, nhằm phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lý mạn tính.
Sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã khám, tầm soát cho hơn 233.051 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 19,5%, với dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ tăng lên 280.000 người (23,4%).
Kết quả thăm khám cho thấy đa số người cao tuổi mắc bệnh về xương khớp, cao huyết áp và suy giảm trí nhớ.
Nguyên nhân chủ yếu là do người cao tuổi chưa có thói quen khám bệnh định kỳ và thường chủ quan trong việc điều trị bệnh, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn.