Ngày về trên dòng sông Thạch Hãn (Kỳ 2) : Sắt son trọn một lời thề

(VOH) - Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, đến tháng 3/1973, cuộc trao trả tù binh chính trị được triển khai đồng loạt trên các địa điểm tại sông Thạch Hãn và nhiều nơi khác tại miền Nam.

Các cuộc trao trả được Phái đoàn quốc tế giám sát và Phái đoàn quân sự 4 bên ấn định 4 đợt trong năm 1973, ngày 12/3 là đợt đầu tiên trao trả tại sông Thạch Hãn, tiếp đó các địa điểm khác cũng được tiến hành...

Các đoàn chiến thắng trở về là thắng lợi lớn lao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, cũng là hạnh phúc lớn lao của quê hương, các gia đình sau bao năm bị tra tấn, tù đày, ly tán.

Đã 46 năm sau ngày tù binh hai bên được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, có người đã mất vì tuổi tác, sức khỏe, có người già yếu bệnh tật nhưng suốt đời họ không bao giờ quên phút giây trở về quý giá đó. Trong ký ức của mình, dù năm nay đã 94 tuổi, nhưng Đại tá Lương Chí Hiền – Trưởng đoàn Trao trả tù binh Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhớ lại, khi trao trả tù binh, phía mình trao trả trước một ngày được khoảng một đại đội và địch trao trả cho mình ngày sau cũng một đại đội. Hai bên bàn với nhau trong ban chỉ huy thống nhất có quốc tế giám sát, lính ta đón về.

đại tá lương sĩ hiền

Hình ảnh đại tá Lương Sĩ Hiền (giữa) - Trưởng đoàn trao trả tù binh Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam -  thời điểm năm 1973.

Tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, trải qua các vị trí công tác từ cán bộ cấp Tiểu đội, Trung đội, đến Trung đội trưởng, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Trị, Đại tá Lương Chí Hiền năm nay đã 94 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết sẵn sàng cống hiến, hy sinh cả tình cảm riêng vì nền độc lập của nước nhà.

Ngay cả từ hoàn cảnh gia đình riêng của mình, vợ ông lặng lẽ ngày qua ngày chờ chồng trở về bằng một niềm tin mãnh liệt mà không cần bất kỳ lời hứa hẹn nào. Bà Vương Thị Loan - vợ của Đại tá Lương Chí Hiền, lấy chồng năm 18 tuổi.

Sang năm, chưa kịp báo tin vui cái thai vừa tượng hình, thì cũng là lúc ông "bỏ" bà đi. Việc nước bí mật, ông không nói lý do cho vợ biết. Vậy là 10 năm trời đằng đẵng, nơi hậu phương bà vừa dạy học, vừa thay chồng nuôi dạy con.

Bà Loan vẫn nhớ như in, ông bà cưới từ năm 1958, đến năm 1959 là ông đi B. Lúc ấy bà có bầu hai tháng. Ông đi một lần 10 năm liên tục, tưởng không về. Sáu năm liền không có thư từ chi hết. Mười năm liên tiếp không về thăm nhà một bữa nào. “Khi chiến tranh, nếu ông ấy mà chết thì tôi cũng chỉ nuôi đứa con duy nhất thôi, không có suy nghĩ chuyện tình cảm gì nữa, một là một thôi.”, bà Loan nói   

Người con trai đầu của ông, ông Lương Chí Hà nối nghiệp cha cũng đã công tác trong quân đội sau này về hưu, hằng ngày sinh sống ngay Thành cổ, bên dòng Thạch Hãn. Khi thấy bà con và chính quyền địa phương tổ chức lễ thả hoa đăng ở bến sông này, lòng ông cũng dâng lên cảm xúc bùi ngùi khó tả. 

Ông cho biết, nhân dân, chính quyền địa phương tổ chức để thả hoa đăng hàng tháng vào hai ngày 14 và 30 âm lịch, tri ân các anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ giải phóng quê hương đã nằm lại dưới lòng sông Thạch Hãn này. 

Trong trận quyết chiến bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm, do nhu cầu của việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, thuốc men và lương thực cho chiến trường và chuyển thương binh, thương vong về tuyến sau qua đường sông Thạch Hãn, nên bến sông Thạch Hãn đã trở thành một điểm tập kết quân sự quan trọng trên tuyến vận chuyển huyết mạch cho thị xã Quảng Trị.

Không ít cán bộ, chiến sĩ vận tải đã anh dũng hy sinh trên dòng Thạch Hãn để giữ vững tuyến giao thông huyết mạch liên lạc với Thành cổ cho đến những ngày cuối cùng. Ngày nay, bên bờ Thạch Hãn, dòng người ngang qua luôn nhớ đến các anh như một biểu tượng anh hùng cách mạng bất diệt.

Ông Lê Quang Kỳ - người bảo vệ Bến Thả hoa, Nhà hành lễ bờ Nam sông Thạch Hãn gắn bó với công việc ở đây gần 8 năm cho biết : "Ở đây con em miền Bắc hy sinh nhiều nên nhiều đoàn Hà Nội thường ghé đến. Được phục vụ các đoàn, làm công việc ở đây thật là vinh dự với tôi".

Đại tá và vợ

Cuộc sống đời thường bình dị của đại tá Lương Sĩ Hiền và vợ ông. 70 năm tuổi Đảng luôn nhiệt huyết sẵn sàng cống hiến vì nền độc lập của nước nhà.

Sắt son trọn một lời thề với Đảng, với dân, Đại tá Lương Chí Hiền năm nay đã 94 tuổi. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông luôn một lòng một dạ với Đảng, với Tổ quốc – niềm tin mãnh liệt từ thời thanh xuân và mãi tận đến hôm nay.

Kháng chiến chống Pháp tôi tham gia 9 năm, năm 1947 cho đến năm 1954 tại chiến trường Quảng Trị. Kháng chiến chống Mỹ cũng tại chiến trường Quảng Trị tôi cũng tham gia đầy đủ 21 năm đến 30 tháng 5 năm 1975, đúng vào thời điểm 30 năm hai cuộc kháng chiến trường kỳ”, Đại tá Hiền cho biết.

Chiến tranh đã qua đi, mất mát đau thương không thể bù đắp được. Tuy nhiên, sự thủy chung, sắt son với Đảng, với dân, với tình cảm vợ chồng, đồng đội… của những người sống trong thời chiến là động lực mãnh liệt làm nên sức mạnh vô biên đi đến ngày toàn thắng.

Khi giá trị tinh thần luôn tạo nên một điều kỳ diệu, thì đó cũng là cách cả dân tộc Việt Nam đi qua chiến tranh thật  anh dũng, phi thường.