Chờ...

Nhiều đơn vị chậm nộp báo cáo quyết toán ngân sách

VOH - Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP.

Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

Về thực hiện các chính sách thu NSNN hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao. 

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%.

Nhiều đơn vị chậm nộp báo cáo quyết toán ngân sách 1
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số hạn chế cần phải chấn chỉnh, như số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN tính đến cuối năm 2021 còn lớn (Hà Nam 5.258,46 tỷ đồng; Ninh Bình 4.344,68 tỷ đồng; Hà Tĩnh 565 tỷ đồng; Hà Giang 523,57 tỷ đồng; Nghệ An 595,94 tỷ đồng; Bình Định 689,8 tỷ đồng; Thanh Hóa 857,2 tỷ đồng; Quảng Ngãi 336,86 tỷ đồng).

Về thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo nêu, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Đối với kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân: Có 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Việc lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính cũng được Kiểm toán Nhà nước nhận xét là chậm so với quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính.

Cá biệt là Bộ Y tế chậm gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đến 3 tháng (đến ngày 6/4/2023 Bộ này mới hoàn thành thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc), làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN năm.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn về thu cân đối, chi cân đối NSNN 2.484.491 tỷ đồng, bội chi NSNN.