Nhiều quy định chồng chéo trong dự thảo Luật An ninh mang và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

(VOH) - Chiều 13/11, các đại biểu thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật: Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết sớm cho ra đời 2 dự án luật này, nhất là trong thời điểm thế giới bước vào giai đoạn hội nhập, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng, đoàn TPHCM, cần phải làm rõ khái niệm “mật”. Hiện có những thông tin bản chất không phải là mật nhưng các cơ quan đều muốn đưa vô tài liệu mật, như thế sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin cho dư luận.

“Mật ở đây được xác định là mật, tuyệt mật, tối mật và cần phải giải thích cụ thể. Điều này chưa thấy trong tài liệu. Chưa hết, tài liệu còn còn quy định nguy hại nghiêm trọng, nguy hại rất nghiêm trọng và nguy hại đặc biệt nghiêm trọng - giống như Bộ Luật hình sự. Nếu không xác định rõ thì đưa vào danh mục tài liệu mật sẽ dựa trên cơ sở nào", đại biểu Nguyễn Việt Dũng nêu ý kiến.

Theo ông Ngô Đức Mạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước chưa cụ thể giữa yêu cầu chúng ta phải bảo vệ và có những quy định có tính khả thi để bảo vệ và giữ gìn các thông tin bí mật, tuyệt mật.

Theo ông Mạnh, không nên đơn giản hóa vấn đề, phải quy định thật cụ thể và có tính khả thi, nhưng ngược lại cũng phải tránh việc lạm dụng, bởi vì đây thời đại công nghệ thông tin. Hơn nữa chủ trương là “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” - vậy mức độ liều lượng “mật” ở đây là thế nào?

Đóng góp Dự án Luật an ninh mạng, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn Cần Thơ cơ bản tán thành Dự thảo luật. Tuy nhiên, còn có một số nội dung Ban soạn thảo cần quan tâm vì một số quy định còn trùng lặp, chồng chéo với các văn bản luật khác, điển hình như về thẩm quyền thẩm định năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng quy định là Bộ thông tin truyền thông, còn Dự thảo quy định là Bộ Công an.

Ông đề nghị cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo và rà soát các quy định để khắc phục các hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này được hiệu quả khi ban hành luật.

Về Hiến pháp năm 2013, ở khoản 2 điều 14 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng.

“Vì vậy tôi đề nghị nên cân nhắc để có quy định đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh mạng chặt chẽ, nhưng đồng thời không làm hạn chế quyền tự do thông tin, bí mật thông tin của cá nhân để đảm bảo quyền của con người, phù hợp với quy định của Hiến pháp”, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân.

Sáng 14/11, theo chương trình kỳ họp, Chính phủ sẽ thông qua Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM và thảo luận ở tổ về nội dung này cùng với Luật quốc phòng sửa đổi.

Buổi chiều, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoàn đường cao tốc trên tuyến Bắc Nam ở phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bình luận