Chờ...

Nhìn nhận trách nhiệm từ sự cố chất lượng tại các công trình giao thông

(VOH) - Thời gian qua, nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư công trình.

Thời gian qua, nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng công trình, đặc biệt có dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai), dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,…

Điều này đặt ra nghi ngại về chất lượng của các công trình giao thông hiện nay. Bên hành lang phiên họp quốc hội ngày 24/10, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư công trình.

đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, Gia Lai bị lún, nứt

130m đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, Gia Lai bị lún, nứt do các đơn vị liên quan chưa phát hiện được nền đất yếu và nước ngầm. Ảnh: TTO

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư vừa hoàn thành giữa năm nay chưa được bàn giao nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt chiều rộng tới nửa mét, sâu gần một mét và dài tới vài mét.

Dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với vốn đầu tư trên 34.500 tỷ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư, thông xe tháng 9/2018 nhưng đã nhanh chóng xuống cấp chỉ sau 1 tháng vận hành và hiện đang tiếp tục bị sụt lún. Trước đây, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Việc nhiều công trình giao thông xảy ra sự cố về chất lượng đã làm mất niềm tin từ người dân, làm tăng chi phí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, cần chú trọng khâu lựa chọn nhà thầu, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng: "Các cơ quan thực hiện chức năng giám sát chưa làm tốt chức năng của mình dẫn đến khi đường vừa làm đã hư hỏng… Nguyên nhân cơ bản là ý thức trách nhiệm doanh nghiệp, thứ 2 là cơ quan chức năng giám sát, thứ 3 là các cơ quan quản lý khi thực hiện lựa chọn nhà thầu không xứng đáng. Mà theo dư luận người ta đánh giá  công trình mất mát khoảng 20-30%,...".

Cho rằng quy trình khảo sát thiết kế, tổ chức đấu thầu, giám sát và nghiệm thu công trình khá chặt chẽ, tuy nhiên, thực tế vẫn có những công trình kém chất lượng, vừa mới đưa vào khai thác sử dụng đã xuống cấp, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị nhận định, điều đó cho thấy lỗi nằm ở quá trình tổ chức thực hiện: "Tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc về nhiều cơ quan, tuy nhiên trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư công trình. Chủ đầu tư được nhà nước phát cho quyền để quyết định đầu tư, tổ chức trong quá trình đầu tư rồi giám sát thực hiện quá trình đầu tư đó.

Sau này cũng là người khai thác sử dụng công trình đó thì trách nhiệm chính vẫn là ở người quyết định đầu tư. Theo đó, các cơ quan thực hiện trong một chuỗi quy trình đó cần phải rà soát để xem vi phạm ở khâu nào, ở lĩnh vực nào, tổ chức nào để  có các biện pháp xử lý cho đầy đủ về mặt trách nhiệm".

Các đại biểu cũng cho rằng cần sớm có kiểm tra cụ thể để có kết luận rõ ràng, xem xét, xử lý một cách nghiêm túc tránh tình trạng công trình tiếp nối công trình lãng phí vốn đầu tư,gây bức xúc trong dư luận.