Chờ...

Những ai sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử?

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử.

Danh tính điện tử công dân là gì?

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), do Bộ Công an phát triển.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (*)

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (**)

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Những đối tượng sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử 1

Danh tính điện tử công dân Việt Nam có thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung và vân tay. Ảnh: Báo Chính phủ

Những đối tượng nào sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử?

Theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

3 mức độ tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam

Nghị định quy định có 3 mức độ tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam là:

- Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của cá nhân: Gồm các thông tin cá nhân như số định danh cá nhân, họ, chữ đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, ảnh chân dung; nếu là người nước ngoài thì có thêm thông tin về quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân: Gồm các thông tin tại (*), (**) nêu trên.

- Tài khoản định danh điện tử của tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức, tên tổ chức gồm tên Tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có), tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Công dân Việt Nam sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như sử dụng thẻ Căn cước công dân.

Những lợi ích khi sử dụng tài khoản định danh điện tử

Định danh điện tử tạo công cụ giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả thay cho việc thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…).

Định danh điện tử cũng tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Tài khoản định danh điện tử tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

Cùng đó là tạo ra tiện ích giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy.

Ngoài ra, định danh điện tử giúp xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.