Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điểm “bất thường” của siêu bão số 3 gây thiệt hại gần 82.000 tỷ

HÀ NỘI - Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, là cơn bão có cường độ tăng nhanh nhất không theo quy luật thông thường.

Sáng 28/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích); 1.976 người bị thương.

Tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về người là Lào Cai với 151 người (132 người chết; 19 người mất tích). Tiếp đó là Cao Bằng 57 người (55 người chết; 2 người mất tích); Yên Bái 54 người chết; Quảng Ninh 29 người chết...

Thiên tai cũng khiến 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái và 112.034 nhà bị ngập.

Về nông nghiệp, 284.472 ha lúa cùng 61.114 ha hoa màu bị ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm chết.

Thống kê của cơ quan chức năng cũng nêu rõ có 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởngi; 2.211 công trình thuỷ lợi và 1.306 công trình nước sạch hỏng hóc...

Báo cáo nêu: "Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Tính riêng thiệt hại ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế)".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.

img0109-1727491522212212725644-17274935795841741093070
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy - Ảnh: VGP

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết bão số 3 có những đặc điểm bất thường khi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua.

Theo bộ trưởng, đây là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (từ bão tăng lên cấp siêu bão (tăng 8 cấp trong 48 giờ) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Khi đổ bộ vào phía đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ), trong khi thông thường chỉ khoảng 6-8 giờ hoặc tan nhanh. Nguyên nhân là do vùng ảnh hưởng gió mạnh rộng, suy yếu chậm trên đất liền.

Bộ trưởng Duy cho hay việc dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng với các đánh giá, nhận định của thế giới khi Việt Nam tham gia hệ thống cơ quan mạng lưới dự báo của khu vực và thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong…

Tuy vậy, khó khăn được ông Duy nhìn nhận đó là chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền là cấp chưa từng xảy ra trong lịch sử và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.

Với công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200mm/6h, các thông tin tính toán chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô.

Chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao. Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế.

Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt.

Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành....

Trước thực trạng đó, ông Hoan cho rằng cần hướng đến mục tiêu "từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu", trên cơ sở thực hiện các giải pháp như hoàn thiện thể chế liên quan phòng, chống thiên tai, rà soát sắp xếp lại vùng có nguy cơ, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, bảo vệ rừng, xây dựng hạ tầng chống lũ quét, sạt lở...

Bình luận