Những hệ lụy từ việc đốt nhang, vàng mã dịp Tết

(VOH) - Tình trạng người dân đốt vàng mã diễn ra khắp các con đường trong thành phố, làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị và sức khỏe của chính họ.

Cùng với không khí náo nức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2019, tình trạng người dân đốt vàng mã diễn ra khắp các con đường trong thành phố, làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị và sức khỏe của chính họ. Đồng thời đã có rất nhiều vụ cháy nổ, hỏa hoạn xảy ra do đốt nhang và vàng mã, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra hàng ngày và càng rầm rộ hơn vào mỗi dịp Tết đến xuân về, kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn đi kèm.

Nghe bài viết:

Chị Phạm Thị Thúy, ngụ ở Quận 9 cho biết Tết thường mua rất nhiều đồ mã để cúng lễ rồi hoá vàng để “gửi” sang “thế giới bên kia” cho người thân quá cố. Nếu đốt ít vàng mã lại sợ ông bà cho là hà tiện, coi là không chu đáo. Vì vậy cứ mua nhiều cúng và đốt thôi.

đốt nhang, đốt vàng mã

Ảnh minh họa: PNO

Còn chị Xuân ở quận 5 bức xúc, bây giờ nhà phố san sát, nhất là ở chung cư. Những ngày Tết mà cũng không yên ổn, lâu lâu lại nghe chuông báo cháy, mọi người lại nháo nhào chạy. Xuống tới dưới đất thì mới biết có nhà đốt vàng mã, đốt nhang.

"Tôi ở chung cư cảm thấy rất là khó chịu, khi mà đang ngồi thì chuông báo cháy, khi tìm hiểu ra thì do đốt nhang, đốt vàng mã như vậy rất là phiền. Cho nên tôi mong là việc tuyên truyền sẽ ngày càng sâu rộng hơn nữa để bà con nâng cao ý thức của mình hơn trong việc hạn chế đốt vàng mã trong ngày lễ Tết", chị Xuân nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước tiêu thụ tới hơn 40.000 tấn vàng mã, tốn hàng trăm tỷ đồng. Trước hết là sự lãng phí, chưa kể đến thiệt hại về tài sản và người. Còn nhớ năm 2016, tại hẻm 81 đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú, TPHCM, một nhà dân cúng ông Táo. Khi đem vàng mã ra đốt, các tàn lửa đã bay vào đống mút xốp để gần đó và nhanh chóng thiêu rụi 7 căn nhà liên tiếp. Còn rất nhiều vụ cháy chưa được thống kê do đốt vàng mã, thắp nhang.

Nhà sử học, Nhà giáo, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thuần, cho rằng: Hễ đốt vàng mã tức là trong nhận thức, tình cảm, những tư duy mang tính mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại. Vì vậy, cần có những buổi sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo ra nhận thức đồng nhất là không nên đốt vàng mã nữa. 

"Muốn không ai đốt vàng mã nữa thì phải không có vàng mã nữa. Muốn không có vàng mã thì phải tạo cho người ta công ăn, việc làm phù hợp khả năng, điều kiện của họ. Việc đốt vàng mã nói chung là không tốt, cho nên đừng đốt nữa, đừng sản xuất nữa.Tthứ 2 là bản thân việc dùng vàng mã thể hiện một hình thức văn hóa chưa trọn vẹn. Rõ ràng đốt vàng mã chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc đốt tiền. Ngoài đường thì dơ đường, trong nhà thì nhất là chung cư đôi khi báo động liên tục và hỏa hoạn có thể xảy ra. Nhiều tai họa đã xảy ra bởi việc đốt vàng mã này", nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần chia sẻ.

Vào những ngày này, dạo quanh các khu phố, rất nhiều gia đình đua nhau “hóa vàng” ngay trước cửa nhà và trên hè phố. Việc đốt vàng mã ồ ạt đã ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng không khí của thành phố. Độc hại hơn khi rất nhiều người lúc hóa vàng thường bỏ luôn cả túi ni lông, chai nhựa, vải cũ và các vật phẩm khác vào đốt cùng. Kết quả độc càng thêm độc, đối với sức khỏe lại càng nguy hại hơn nữa.

Ông Dương Hoàng Lộc, Nhà nghiên cứu Văn hóa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết người Việt chúng ta Tết thì tục đốt vàng mã là có. Đốt ngày 30, ngày mùng 3, điều này tôi thấy hoàn toàn không hợp lý. Ở các đô thì mà chúng ta đốt sẽ gây ra hỏa hoạn. Mà hỏa hoạn không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mình mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Tôi mong rằng mỗi người chúng ta cùng nỗ lực, mỗi người đóng góp một tay, một ý kiến của mình để làm sao ngày Tết của chúng ta hết sức văn minh, thậm chí xanh sạch và sinh thái thì chúng ta không có đốt vàng mã.

Theo Hòa thượng Thiện Tân, Chùa Phước Hòa, quận Bình Tân đốt vàng mã không những vừa hao tiền tốn của mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường; tiền vàng, quần áo đốt xong, than tro trở lại với người trần, người âm không được hưởng: "Đón Tết cũng như đưa ông bà, ông Táo thì bà con chúng ta không nên đốt vàng bạc nhiều quá, gây lãng phí. Thực sự nếu chúng ta tưởng nhớ ông bà thì không cần đốt chỉ cần cúng hoặc niệm ở trong tâm là đầy đủ rồi".

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, cho biết: Tết Nguyên đán 2019, lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, tiết kiệm. Và để có một cái Tết an toàn, TP cũng kêu gọi bà con thực hiện nghiêm những quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, vì TPHCM rất đông dân, nếu không may xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và con người. 

"Những ngày Tết theo phong tục thì mình có thắp hương, đốt vàng mã để đón rước ông bà về ăn Tết. Đó cũng là tình cảm, tâm linh. Nhưng thay vì mình đốt vàng mã thì mình dành khoản đó để làm công tác từ thiện, chăm lo cho người nghèo. Mặt khác làm hạn chế hỏa hoạn không mong muốn xảy ra, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Cho nên rất mong muốn bà con mình vui Tết văn minh và hết sức cảnh giác phòng ngừa những tai nạn không mong muốn để có một cái Tết an toàn và trọn vẹn".

Việc các gia đình chi một khoản tiền không nhỏ cho đồ vàng mã mỗi năm là rất lãng phí. Mỗi năm có biết bao nhiêu tấn giấy đã được dùng làm nguyên liệu để sản xuất đồ mã và kết cục là bị đem đốt thành tro. Rồi ô nhiễm môi trường trầm trọng từ tro hoá vàng, từ hoá chất, phẩm màu trong các công đoạn làm đồ mã cũng là nguyên nhân không nhỏ. Từ thực trạng trên, mong rằng quý vị hãy suy nghĩ, ý thức và hạn chế dần trong việc cúng đốt vàng mã. Và nếu từ bỏ hẳn tập tục này là tốt nhất, bởi lẽ lòng thành kính với thần thánh, tổ tiên, người thân quá cố đâu cứ phải cúng nhiều, đốt nhiều mà là ở cái tâm, sự thành kính.