Chờ...

Những ký ức về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

(VOH) - Hơn 4 tháng sau ngày Độc lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - Ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên, mọi người tự do thảo luận, bàn bạc và chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cử tri hai miền Bắc- Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946). Ảnh tư liệu

Việc cần làm ngay

Nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân năm nay bước sang tuổi 100. Lúc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I ông đang là Phó Chủ tịch phụ trách quân sự của Ủy ban cách mạng Bắc Bộ và được phân công ứng cử tại Nam Định. Là người tham gia tổ chức Tổng tuyển cử tại Hà Nội, trong không khí sục sôi lúc đó, ông hiểu rất rõ trách nhiệm và vinh dự của người đại biểu nhân dân.

Ông nhớ lại, những ngày mùa thu tháng 8/1945, Bác Hồ cho triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào - một đại hội mang tầm vóc của Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để quyết định khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.

Nhưng vì tình hình gấp rút, trước lúc khai mạc Quốc dân Đại hội, Bác Hồ cho gọi 3 đại biểu miền Bắc gồm Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn và Phan Thị Thục vào hỏi về 10 chính sách của Việt Minh, xong Bác dặn: “Chính sách là đầy đủ nhưng tựu trung lại chỉ có một ý, đó là dựa vào dân, đấu tranh vì quyền lực của nhân dân, nhỏ thì là quyền lợi hàng ngày trong đời sống, lớn thì là giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột, giành lấy độc lập và tự do cho Tổ quốc”. Xong Bác bảo phải về ngay trong buổi sáng để tổ chức Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Cách mạng Tháng 8 thành công, ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền về tay nhân dân. Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đề nghị cần phải có Quốc hội để bầu ra Chính phủ chính thức của toàn dân và cần phải có một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu bầu ra Quốc hội.

“Bác bảo phải làm nhanh lên, sớm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cho nên chúng tôi cố gắng tổ chức cho được vào ngày 6 tháng giêng. Trước tổng tuyển cử thì phải tuyên truyền đến dân chúng để tham gia rộng rãi, xuống đến tất cả quận, huyện, xã. Nhờ vậy mà người dân nô nức tham gia ngày tổng tuyển cử, lúc bấy giờ rất phấn khởi, chỗ nào cũng có đại biểu, dân chúng đến hỏi ngày tổng tuyển cử”, đại biểu Nguyễn Văn Trân nhớ lại.

Cử tri nhận phiếu bầu tại một khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử. (Ảnh tư liệu: Tiền Phong)

Ký ức vinh quang

Ở Miền Nam, quân Pháp quay lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chúng dùng quân đội, cảnh sát, mật thám khủng bố nhân dân, cướp của, đốt nhà hòng ngăn cản tổ chức Tổng tuyển cử... nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn, mất mát, cuộc bầu cử đã thắng lợi hoàn toàn. Cả nước có 89% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Thủ đô Hà Nội còn cao hơn thế.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - người anh cả của Binh đoàn Trường Sơn và sau này đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và nhiều chức vụ quan trọng khác. Lúc tham gia ứng cử vào Quốc hội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mới 24 tuổi và đang là Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Ông không giấu được niềm xúc động, vinh dự khi trúng cử. 

”Lúc bấy giờ, tuy còn trẻ, chưa nhận thức được nhiều nhưng rất vinh dự, tự hào. Vinh dự, tự hào vì cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công là do nhân dân và tổng tuyển cử cũng do nhân dân tham gia bầu ra Quốc hội nên được trúng cử là thấy sức mạnh của nhân dân", ông Nguyên bồi hồi. 

Thể lệ bầu cử và tên tuổi người ứng cử được ghi rõ và công bố công khai trên Báo Cứu Quốc cả tuần trước ngày Tổng tuyển cử lịch sử. Nhưng ngày bầu cử diễn ra không chỉ toàn thuận lợi. Nhiều hành động dọa nạt cử tri, bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu hòng phá hoại ngày bầu cử đã được các thế lực phản động tiến hành tại nhiều địa phương.

Để bảo vệ quyền làm chủ của mình, không ít nơi lá phiếu bầu đã nhuốm máu cử tri. Báo Cứu Quốc khi đó ghi lại, ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ và Tây Nguyên, tổng tuyển cử diễn ra dưới trời bom đạn. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong ngày bầu cử.

Nhưng tất cả sự chống phá ấy đã không ngăn cản được khát vọng làm chủ của cả dân tộc. Cán bộ lão thành cách mạng Ngô Thị Huệ là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV, nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban Cán bộ Trung ương, phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, năm nay đã 98 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, vậy mà bà vẫn nhớ như in những hình ảnh của ngày Tổng tuyển cử cách đây 70 năm. Năm 1946, bà Ngô Thị Huệ là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I.

Từ trước đến nay, hiếm có cuộc bầu cử nào lại diễn ra như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ở nước ta. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công trên cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.

Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định chỉ cần một phần tư cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị.

Hàng vạn nhân dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu QH tại Hà Nội (5/1/1946) (Ảnh tư liệu: Tiền Phong)

Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta.

Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của một nước tự do độc lập, khẳng định với thế giới : nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và thực sự có đủ khả năng tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự chọn và dựng xây chế độ mới.