Miền Tây, đến với Tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…nơi có những cây cầu khỉ vắt vẻo bắc qua những dòng sông, những cây cầu gỗ ván mục nát, có nơi không cầu mà người dân phải qua sông bằng đò, xuồng, hay những chiếc phà tự chế nhỏ xíu, chòng chành theo sóng nước. Phải đi qua chớ nếu không thì làm sao mà trẻ con đi học, người lớn thì đi làm, người già khi ốm đau cần phải đến bệnh viện, và đằng sau những cây cầu ấy là những câu chuyện mà êkíp của chương trình đã đến, để rồi sau đó mang về những ước mơ có thật.
Ngày hôm ấy, cạnh cây cầu Xẻo Vẹt ở tỉnh Kiên Giang, có người ông ở cạnh bờ sông nghẹn ngào: “Nếu cây cầu được xây sớm, thằng bé ấy đâu phải bỏ cha, bỏ mẹ mà đi...”. Cũng một nơi xa khác, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng người bà đứng lặng lẽ lau nước mắt, bà nhớ tới giây phút cô cháu ngoại đã nằm lại trong dòng nước đục ngầu chảy xiết dưới chân cầu. Hay giây phút 3 mẹ con bàng hoàng khi xuồng lật úp, may mà người ta kịp vớt lên. Một ông chú nhà ở cạnh bờ sông, không dám ngủ yên giấc vì sợ không kịp nghe tiếng người ta kêu cứu.
Nhiều câu cầu được xây mới, nối bờ hạnh phúc cho người dân.
Những câu chuyện ấy đã được chương trình chuyển tải trên làn sóng, gửi đến các thính giả, nhà tài trợ và mạnh thường quân và đã có biết bao yêu thương được gửi về. Hơn 8 năm qua, hơn 100 cây cầu đã được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là ở miền Tây, xóa đi những nỗi sợ, những ký ức buồn và làm nên hạnh phúc cho cả người trao lẫn người nhận.
"Ngày nay cây cầu được hoàn thành vững chắc, vậy là đi suốt đời luôn đó, thỏa niềm mong ước rồi".
"Bà con rất vui lòng, không thể nào tả hết, tưởng tượng như một giấc mơ trở thành sự thật".
Mừng lắm, có đường có cầu quý quá rồi, tui 76 tuổi rồi giờ mới thấy có được cây cầu sau mấy mươi năm. Tui thấy cây cầu này tui rất thỏa mãn. Mấy đứa nhỏ thích lắm".
"Có cây cầu này mừng quá trời quá đất luôn rồi."
Đó là những niềm vui của bà con trong ngày khánh thành cầu ở rất nhiều nơi mà chương trình đã ghi nhận lại, trong những nụ cười còn có rất nhiều những giọt nước mắt, nhưng đó là giọt nước mắt của sự sung sướng yêu thương và sẻ chia. Nhiều thính giả, mạnh thường quân đã ủng hộ hoạt động xây cầu bằng toàn bộ số tiền mà mình chắt chiu dành dụm mấy năm nay, bằng số tiền quyên góp trong bữa tiệc sinh nhật và thậm chí là xin được trả góp số tiền xây dựng để con gái và con trai có thể gieo những hạt mầm yêu thương.
Và một dấu ấn đặc biệt trong hành trình hơn 8 năm của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt chính là cây cầu tràn Chân Rò, tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - VOH vận động 2,6 tỷ đồng đã được hơn 1 năm từ ngày đưa vào sử dụng. 1.500 người dân bên bờ sông ấy nay đã có cuộc sống đổi thay rất nhiều, kinh tế phát triển, trường học được xây dựng và thầy cô giáo ở đó đã nói rằng, hãy đổi tên thành cây cầu hạnh phúc.
"Bóng núi in xuống, bóng cầu in xuống sông, cây cối nữa, rất đẹp, đêm đêm trời hè các cặp đôi ra hẹn hò, theo tôi thì nên đổi tên thành cây cầu hạnh phúc" - một giao viên chia sẻ.
Sáng 17/10, tại thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cây cầu Khóm 3 với chiều dài 73 mét, rộng 2,7 mét sẽ được khánh thành, là cột mốc chào mừng sự kiện cây cầu thứ 100 của chương trình. Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM chia sẻ: "Ghi nhận dấu ấn ấy, ngoài sự nỗ lực của ê kíp còn có sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, địa phương sự ủng hộ của tình nguyện viên, nhà tài trợ, mạnh thường quân chúng tôi trân quý sự ủng hộ nhiệt tình bền bỉ của nhà tài trợ."
Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài TNND TPHCM (áo xanh) trong hành trình xây cầu của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt.
Thời điểm này vẫn đang có khoảng 10 cây cầu được gấp rút xây dựng ở các tỉnh Miền Tây. Một cây cầu vững chãi, để mai này, ai đó không còn sợ hãi khi phải qua sông về nhà, người bên bờ cũng không thắc thỏm khi mưa to gió lớn. Trên những khúc sông quê ấy, bà con đi qua đi lại mỗi ngày, chắc chắn sẽ mãi nhớ đến cái tên và tấm lòng người đã gửi lại nơi đây một chữ tình sâu đậm.