Người hưởng lương hưu cao nhất tên P.P.N.T (cư trú tại TPHCM), từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của một doanh nghiệp.
Ông T nghỉ hưu tháng 4/2015 với mức lương hưu 87,3 triệu đồng. Đến tháng 6/2023, tiền hưởng của ông là 124,7 triệu/tháng sau 5 lần nhà nước điều chỉnh lương hưu.
Ông T có 23 năm tham gia BHXH, luôn đóng ở mức cao nên tiền lương hưu cũng cao theo nguyên tắc đóng - hưởng. Cụ thể trước năm 2007, có thời điểm tiền lương đóng của ông hơn 200 triệu đồng mỗi tháng do giai đoạn này chưa quy định mức trần tiền đóng BHXH.
Từ năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 khống chế tiền đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Giai đoạn tháng 1/2007 đến 3/2015, người này luôn đóng BHXH từ 15,4 đến 23 triệu đồng mỗi tháng.
Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 4/2023, cả nước có 382 người hưởng lương hưu 20-30 triệu đồng/tháng; 80 người hưởng 30-50 triệu/tháng và 9 người hưởng trên 50 triệu đồng/tháng. Những người này đều làm việc trong công ty tư nhân, liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và đóng BHXH theo tiền lương thực hưởng bằng ngoại tệ hoặc tiền Việt Nam ở mức cao nhất.
Khoảng 1,9 triệu người, chiếm 70% tổng số người hưởng lương hưu cả nước, đang hưởng mức lương từ 3-7 triệu đồng mỗi tháng từ Quỹ BHXH. Hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng).
Ngoài lương hưu, người già sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh.
BHXH Việt Nam cho biết, tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Để rút khoảng cách lương hưu giữa người đóng cao với đóng thấp, luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức 29,8 triệu đồng và tăng lên 36 triệu khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7.