Phát triển nhà ở xã hội: Thiếu vốn đầu tư, thủ tục phức tạp, giá nhà ở xã hội còn cao

(VOH) - Đây là một số vướng vấn đề hiện nay mà chính sách phát triển nhà ở xã hội đang gặp phải. Bộ Xây dựng cũng đang nỗ lực để tháo gỡ.

Chiều 3/11/2022, trong Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng - trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ xoay quanh vấn đề phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, kết quả giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12,5 triệu m2. Nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.

Vấn đề vẫn còn tồn tại, vướng mắc hiện nay là trình tự thủ tục đầu tư mua bán, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê, chưa có quy định cho phép hợp tác xã được mua, cho thuê nhà ở xã hội… Đây là những hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, ngân hàng chính sách mới đáp ứng được 35% nhu cầu.

Xem thêm: Đề xuất thực hiện dự án nhà ở xã hội, có thể dành 20% quỹ đất hoặc đóng bằng tiền

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian qua một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.

Liên quan đến giá nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, nhà ở xã hội hướng tới người lao động thu nhập thấp, nhưng hiện giá nhà ở xã hội vẫn rất cao, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2.

Đại biểu Tô Văn Tám nêu câu hỏi: “Nguyên nhân là gì và có thể đưa giá nhà ở xã hội về mức phù hợp với thu nhập của người lao động thu nhập thấp?”

Về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, giá nhà ở xã hội đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động.

Bộ trưởng nêu ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội yếu; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà ở xã hội còn phức tạp.

Bộ trưởng Nghị cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật đồng bộ, để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp".

Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội mà Bộ đã trình Thủ tướng, theo ông Nghị, sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp với người dân thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

VOH online sẽ tiếp tục cập nhật.

Bình luận