Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh cần phải tổ chức thực thi hiệu quả để quy hoạch đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhân tố quyết định thành công là tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của nhân dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Tỉnh cần rút ra các bài học phát triển của các đô thị biển để Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ là nơi đáng đầu tư mà còn là nơi đáng sống, đáng trải nghiệm.
Phó Thủ tướng đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu cần trở thành địa phương tiên phong dẫn dắt xu thế Chuyển đổi Xanh của cả nước với các tiềm năng về điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí.
Tỉnh cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, Chuyển đổi Số, xây dựng lối sống xanh.
Tỉnh phấn đấu, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2050 là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Theo Quy hoạch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định các điểm phát triển chủ yếu trong thời gian tới là: phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành Khu thương mại tự do, xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-đô thị-dịch vụ tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện-điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), Trí tuệ Nhân tạo…
Tỉnh phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch sinh thái biển đảo tại Côn Đảo...
Tỉnh hình thành 4 vùng chức năng gồm: công nghiệp-cảng biển; du lịch và đô thị biển; nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo.
Kinh tế phát triển theo 3 trục động lực gồm: trục kinh tế công nghiệp-cảng biển Cái Mép-Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TPHCM; trục du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Tỉnh lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột để phát triển. Đó là công nghiệp; kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics; du lịch; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại.
Quy hoạch bổ sung 7 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052ha và 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 547ha.