Chờ...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự diễn đàn khoa học về tập quán mai táng của người Việt

(VOH) - Chiều 27/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết diễn đàn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý, chính quyền, tổ chức tôn giáo… Các đại biểu đã tiếp cận lễ thức tang ma, tập quán mai táng của người Việt Nam từ góc độ lịch sử, văn hoá, tôn giáo, kinh tế…

Tới dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một diễn đàn khoa học mở dành cho các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý trực tiếp bàn về tập tục mai táng - một câu chuyện không hề nhỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: baovanhoa

Gần đây có rất nhiều ý kiến nêu lên thực tế tập quán mai táng không chỉ là câu chuyện về xã hội mà còn là câu chuyện lớn về kinh tế, môi trường, đất đai, đô thị… Từ đó đặt ra yêu cầu phải có những chính sách liên quan đến tập tục mai táng để bảo đảm phong tục tập quán của dân tộc nhưng cũng đáp ứng nhu cầu phát triển mới trên tinh thần “văn minh, tiết kiệm”.

“Tập quán ma chay, mai táng là một vấn đề xã hội liên quan đến tập tục, truyền thống, nên không chỉ đơn thuần bằng các quy định pháp luật, chính sách kinh tế có thể giải quyết được vấn đề mà còn phải đi đôi với việc nghiên cứu rất sâu các khía cạnh văn hoá, xã hội, phối hợp tất cả các giải pháp mới có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực. Việt Nam có trên 50 dân tộc với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau nên không thể máy móc áp dụng một chính sách, quy định chung cho tất cả. Chúng ta phải bàn rất kỹ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn các nhà khoa học cùng nhau nghiên cứu, đưa ra khuyến nghị và tham gia giải quyết.

Vì vậy, Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra” là rất cần thiết để các nhà khoa học, cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo… đưa ra những góc nhìn khác nhau, có các khuyến nghị cần thiết.

Các ý kiến tại diễn đàn đều chung nhận định từ bao đời, người Việt truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những phong tục tập quán về những việc cần làm đối với người đã mất; bày tỏ lòng tiếc thương và biết ơn, thể hiện đạo hiếu và đạo nhân, nghĩa dành cho người đã khuất. Vấn đề ô nhiễm môi trường do cải táng (bốc mộ), cúng lễ quá nhiều và đặt các khu vực chôn cất không theo quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường ảnh hưởng lớn đến nhiều khu đô thị và cả ở nông thôn.

Nhiều nhà khoa học cũng kiến nghị một mặt cần phải có các quy định, chính sách khuyến khích người dân thực hiện các hình thức mai táng mới. Tuy nhiên, những quy định, chính sách này phải dựa trên, đồng hành với việc vận động người dân, trong đó cần phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo, tổ chức xã hội để định hướng, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền những vấn đề liên quan đến tập quán, phong tục mai táng đến cộng đồng, người dân và xã hội.