Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các trường sư phạm nêu thẳng bất cập, vướng mắc trong thực tiễn đào tạo sư phạm hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp xử lý, tháo gỡ, đóng góp thiết thực vào dự thảo Đề án sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm (Đề án) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với hiệu trưởng các trường đại học sư phạm, trường có đào tạo ngành sư phạm ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: website dangcongsan
“Hệ thống sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm hay không? Nên chăng hướng đào tạo giáo viên không chỉ từ các trường sư phạm mà sinh viên tốt nghiệp những ngành khác cũng có thể học thêm về nghiệp vụ sư phạm. Đây là những vấn đề Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, xem xét, bổ sung vào Đề án”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục là của Nhà nước. Nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm, cả Trung ương và địa phương, cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”, kết hợp với các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương. Ngân sách địa phương bảo đảm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm lớn phải mở ra, hợp tác, liên kết đào tạo không chỉ sinh viên sư phạm mà đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành khác, ở trường khác và gắn với đẩy mạnh tự chủ.
Chúng ta cần hình thành nhóm trường sư phạm lớn, làm hạt nhân, cộng đồng trách nhiệm xây dựng chương trình, hỗ trợ, hướng dẫn các trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành rộng khắp, trước hết ở các trường sư phạm địa phương.
Từ phản ánh khó khăn của các trường sư phạm thể dục - thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật… Phó Thủ tướng đề nghị trong Đề án quy hoạch hệ thống các trường sư phạm Bộ GD&ĐT cần quy định “một nhánh riêng”.
“Trường sư phạm là trường mô phạm, vì vậy, thầy và trò trường sư phạm phải thực sự mẫu mực, chuẩn mực nhất từ thực hiện tự chủ, đến xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống trong giảng dạy, sinh hoạt...”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.