Cùng dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học và đặc biệt là 87 nông dân Việt Nam tiêu biểu của 30 năm đổi mới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. “Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội.
“Các nước họ không nói nhiều tới cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 đâu mà chỉ làm thực chất. Ta cũng phải ít nói đi mà hãy bắt tay vào thực hiện sáng tạo thông minh vì mục tiêu thương mại, sức khoẻ của người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa “4 nhà”- nhà quản lý (chính quyền), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Coi trọng công tác truyền thông để tạo đồng thuận và thay đổi nhận thức xã hội về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với sức khoẻ con người.
Về định hướng chiến lược, Phó Thủ tướng yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
“Bốn nhà” cần xác định các công nghệ, lĩnh vực trong khu vực nông nghiệp ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách về thuế, chi ngân sách nhà nước, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thị trường... Trong đó chú trọng các cơ chế huy động nguồn lực theo thị trường, bảo đảm hiệu quả, bền vững như cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển bảo hiểm nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết trong Quý IV/2017, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho xã hội, các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, các ngành, doanh nghiệp chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vận hành, phát triển nông nghiệp 4.0. Chủ động, tăng cường hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược phát triển đất nước của Đảng trong giai đoạn hiện nay là phát huy trí tuệ, thành quả công nghệ của thế giới nhưng đồng thời vẫn phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, nhất là ở khu vực nông thôn để tăng thu nhập cho nông dân. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần nghiên cứu, tổ chức Diễn đàn Nông dân lần thứ 3 về chủ đề này để phát triển đời sống nông dân bền vững./.