Phòng, chống cháy nổ ở chung cư cũ

(VOH) - Từ năm 2012 đến nay thành phố xảy ra 34 vụ cháy công trình nhà cao tầng, trong đó 26 vụ cháy nhà chung cư. Thành phố hiện có gần 500 chung cư xây dựng trước 1975 đã xuống cấp, đang tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Phòng cháy chữa cháy tại khu vực chung cư là quan trọng và cần được chủ đầu tư và cư dân quan tâm đúng mức.

Thời gian qua, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM đã có nhiều biện pháp tuyên truyền về các phương thức PCCC, tuy nhiên để không xảy ra những vụ cháy đáng tiếc, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm toàn xã hội. Xoay quanh nội dung này, VOH đã phỏng vấn đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.

Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Sở cảnh sát PCCC thành phố HCM. Ảnh: TheSaigonTimes

VOH: Ông có thể cho biết về những nguyên nhân gây ra cháy nổ tại các chung cư hiện nay?

Đại tá Lê Tấn Bửu: Qua thống kê thì chúng tôi thấy nguyên nhân chính là do quản lý ngọn lửa trần và nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt sự cố về điện là nguyên nhân gây cháy. Ngoài ra, chủ yếu là sơ xuất trong duy tu, bảo dưỡng, bảo quản trong hệ thống PCCC, nhiều trang thiết bị lâu ngày xuống cấp, không bảo dưỡng. Các chung cư cũ không có ban quản trị, ban quản lý hầu như để người dân tự lo, thiếu quản lý, khi xảy ra sự cố thì có trách nhiệm của PCCC tại chỗ.

VOH: Để công tác PCCC hiệu quả thì Cảnh sát PCCC TP sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát như thế nào tại các chung cư, thưa ông?

Đại tá Lê Tấn Bửu: Thứ nhất là phối hợp với Sở xây dựng, Hiệp hội BĐS TP, với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra PCCC, nhất là kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật PCCC tại chung cư, kiểm tra xây dựng, trang bị lực lượng PCCC tại chỗ, người dân tại chung cư để mọi người có thể tự xử lý khi có tình huống xảy ra. Lực lượng PCCC ưu tiên dành mọi giải pháp tốt nhất để nhà đầu tư và người dân sinh sống trong đó đảm bảo an toàn về PCCC.

VOH: Những giải pháp nào là trọng tâm thưa ông?

Đại tá Lê Tấn Bửu: Theo tôi phải củng cố lực lượng, phương tiện tại chỗ, rà soát lại hệ thống PCCC và có các giải pháp khắc phục triệt để nhất là điều kiện kinh phí về chính quyền địa phương cũng như ban quản lý, ban quản trị chung cư chú ý sử dụng đúng mục đích đặc biệt dành tối đa cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC đã được trang bị làm thế nào để khi có tai nạn, sự cố xảy ra thì khai thác sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

VOH: Vấn đề tuyên truyền cho người dân về PCCC là quan trọng, tuy nhiên trong thời gian qua vẫn còn có giới hạn. Như vậy thì trong thời gian tới Cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục triển khai ra sao?

Đại tá Lê Tấn Bửu: Thứ nhất các chủ đầu tư phải có tuyên truyền hướng dẫn trước khi vào chung cư, thứ hai là trách nhiệm của chính quyền địa phương, và Ban quản lý, ban quản lý phải thường xuyên thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và hơn hết tự bản thân người dân cần phải có một nhận thức về PCCC và riêng cảnh sát PCCC sẽ có những tài liệu tuyên truyền, hình thức tuyên truyền phối hợp chặt với các ngành các cấp, các địa phương nhất là các Ban quản lý, ban quản trị chung cư để làm thế nào trong các cuộc họp, các tổ dân phố các hội nghị nhà chung cư thì chúng tôi sẽ lồng ghép nội dung về PCCC cho bà con tuân thủ quy định pháp luật PCCC.

Xin cám ơn ông!