Quảng cáo TPCN không đúng sự thật...tràn lan trên mạng

(VOH) - Nhiều trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, còn sử dụng danh nghĩa, hình ảnh của bác sĩ, người nổi tiếng...

Chia sẻ tại hội thảo Phát triển Bền vững Thị trường Thực phẩm Chức năng, ngày 20/12, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam được đánh giá là có thị trường thực phẩm chức năng phát triển thuộc loại nhanh nhất thế giới.

Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại TPCN và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm. Hơn 70% TPCN trên thị trường là sản xuất trong nước, người biết và sử dụng TPCN tăng lên trên 60%.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về kinh doanh, quảng cáo TPCN rất phổ biến và đáng báo động. "Trong thời gian qua, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, nội dung chưa được thẩm định hay thậm chí sử dụng hình ảnh y bác sĩ, người nổi tiếng diễn ra rất phức tạp, nhất là trên môi trường mạng xã hội",  ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Báo động tình trạng quảng cáo TPCN không đúng sự thật 1

Hình ảnh quảng cáo vi phạm được lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chia sẻ

Theo báo cáo của TS Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, cơ quan này đã phát hiện và xử lý tổng cộng 285 trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Các vi phạm phổ biến là quảng cáo như thuốc chữa bệnh; Sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm như thuốc, thần dược.

Quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền, không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường, nhận định tình trạng thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng hiện rất phức tạp và phổ biến. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như uy tín của nền kinh tế Việt Nam.

"Kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam hiện đã tụt hậu và không hữu ích. Do đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến...hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm TPCN lưu thông trên thị trường", ông Nguyễn Đức Lê đề nghị,