Quốc hội thảo luận dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

(VOH) - Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nhiều đại biểu đã nêu các ý kiến khác nhau về việc có nên tách luật này hay không?

Ở nhóm ủng hộ, đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn cho rằng việc tách luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các chuyên gia và Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, Thủ tướng cũng đồng ý với việc này: "Việc ban hành luật đảm bảo giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng… phù hợp với tình hình mới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông".

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau cho rằng, phạm trù giao thông là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời đó là cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Hơn nữa, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng đến chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh: "Luật của chúng ta liên quan đến việc triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện của nhiều bộ, ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực là một thực tế khách quan nên không thể chỉ vì phạm vi thực hiện của hai bộ, hai lĩnh vực thì phải tách ra hai luật. Nếu thế thì chúng ta phải tách ra nhiều lực nữa để tách bạch giữa các bộ, ngành và lĩnh vực. Từ các lý do trên, tôi kiến nghị xin ý kiến Quốc hội về việc tách hai luật này".

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau góp ý vào Dự thảo Luật - Ảnh: Quochoi.vn.

Trước đó, đầu phiên làm việc buổi chiều, với tỷ lệ 100% các đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Theo đó, Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều. Luật được thông qua sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Hôm nay, 17/11, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Quốc hội họp phiên bế mạc.