Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu có giá trị đến hết năm 2022

(VOH) -  Chiều 13/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã định danh cá nhân.

Chiều nay 13/11, sau phiên họp thảo luận tại hội trường Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), Luật gồm 7 chương, 38 điều và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2021.

Theo quy định của luật này thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú người dân được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022. Ảnh minh họa, TTO

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp.

Khi luật có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định.

Quốc hội yêu cầu hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Do vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại rằng từ nay đến ngày 1/7/2021 khó bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ.

Trước các băn khoăn nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc bảo lưu quan điểm của bộ và của Chính phủ là thống nhất thời điểm thi hành luật 1/7/2021, điều này cũng được Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Ngọc khẳng định Bộ Công an đảm bảo kế hoạch thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021, đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân. 

Do còn ý kiến khác nhau nên ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của ĐBQH. Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 266/402 ĐBQH đồng ý với phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

Có 135/402 ĐBQH đồng ý với phương án quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành 1/7/2021.

UB Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo ý kiến của đa số Đại biểu Quốc hội theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

Quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ngay từ thời điểm ngày 1/7/2021.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để đảm bảo chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.

Về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: "Thủ tướng đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xác định nhu cầu, mức độ khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành".