Rét đậm, rét hại và nguy cơ sạt lở từ cuối năm nay

VOH - Với sự bất ổn của khí hậu toàn cầu, người dân cần nâng cao ý thức dự phòng, cập nhật thông tin từ cơ quan khí tượng và chủ động chuẩn bị các vật dụng cần thiết để ứng phó.

Từ tháng 12/2024, không khí lạnh được dự báo hoạt động mạnh, gây ra các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ. Đồng thời, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, triều cường, và sạt lở sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các vùng miền khác trên cả nước.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ cuối tháng 12-2024, khu vực Bắc Bộ sẽ ghi nhận các đợt rét đậm, rét hại diện rộng.

Đặc biệt, các vùng núi cao có thể đối mặt với hiện tượng băng giá, sương muối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp. Trung tâm dự báo hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trong thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025 sẽ ở mức tương đương trung bình nhiều năm, tập trung tại Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.

sat lo
Ảnh minh hoạ: TTXVN

Mùa mưa tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12/2024, muộn hơn thường lệ. Các đợt mưa lớn có thể xuất hiện trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2024, với lượng mưa tại Trung Bộ dao động từ 250-500mm, có nơi vượt mức trung bình nhiều năm đến 70%. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng ghi nhận lượng mưa lớn hơn thường lệ trong tháng 12, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp.

Từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, khu vực Đông Nam Bộ dự báo sẽ trải qua 7 đợt triều cường, với đợt cao nhất vào giữa tháng 11/2024. Mực nước tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3m, gây ngập úng nghiêm trọng tại các vùng ven sông và ngoài đê bao.

Các tỉnh ven biển Trung Bộ và Nam Bộ cần đặc biệt lưu ý nguy cơ sạt lở bờ sông và bờ biển do sóng lớn kết hợp nước dâng trong thời gian bão và áp thấp nhiệt đới.

Dòng chảy từ sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng cuối năm 2024 sẽ giảm dần, dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn vào sâu từ giữa tháng 2/2025. Một số khu vực có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương, đặc biệt ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, cần chuẩn bị các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài, cũng như ứng phó với nguy cơ ngập úng và sạt lở tại các vùng trũng thấp.

Bình luận