"Rừng thủ tục" vẫn còn rất phức tạp, phải tháo gỡ

(VOH) – Chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Theo chương trình làm việc của phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, chiều 28/12, các đại biểu nghe các lãnh đạo các bộ trình bày báo cáo về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Ảnh: HNM

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt giảm ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong các lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh một số kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số tồn tại cần phải khắc phục như chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật, nhất là về đầu tư-môi trường, đất đai, xây dựng. Hiện còn tồn tại tình trạng một cơ quan quản lý một vấn đề, công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hiệu quả chưa cao; tiếp cận tín dụng đất đai còn khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao nhất. Nhất là chi phí và kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, chi phí Logistics. Công tác thanh tra kiểm tra ở cấp địa phương vẫn còn một số chồng chéo, trùng lắp.

Báo cáo tóm tắt về công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 4 nhóm vướng mắc bất cập như: vướng mắc, bất cập phát sinh từ việc thiếu quy định của pháp luật và từ chính các quy định của văn bản quy phạm pháp luật; 17 Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội cần được ban hành văn bản quy định chi tiết; pháp luật về đầu tư kinh doanh còn một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ và thiếu nhất quán; một số bất cập vướng mắc liên quan đến thi hành pháp luật.

Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng kiến nghị Chính phủ một số nội dung: tiếp tục xác định xây dựng thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chỉ đạo các bộ ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hoặc nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, chủ động phản ánh các bất cập, vướng mắc về các Bộ quản lý chuyên ngành để nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền và gửi lại Bộ tư pháp để tiếp tục tổng hợp.

Cũng trong chiều 28/12, Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ còn nhiều khó khăn. Mặc dù đã nâng lên mấy bậc, nhưng vẫn còn có ngành, địa phương gây trở ngại cho kinh doanh, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chưa có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Cho nên, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề.

Do đó, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 là yêu cầu quan trọng trong năm 2018. "Những vướng mắc nào, những công việc gì cần phải triển khai thì các đồng chí phải xác định cho rõ. Chúng ta có tiến bộ nhưng rõ ràng còn nhiều bất cập. Cho nên, các đồng chí thấy một điều chúng ta đã cắt trên 5.000 thủ tục để đơn giản hóa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các Bộ, ngành mà hiện nay “rừng thủ tục” này vẫn còn rất nhiều; vẫn còn rất phức tạp và chúng ta phải quan tâm. Đó chính là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước mà chúng ta cần phải tập trung làm tốt. Anh cắt thủ tục này nhưng lại mọc ra thủ tục khác, vì quyền lợi của Bộ mình, của Sở mình, ở địa phương mình… thì đó là điều rất nguy nan”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chông tham nhũng, Thủ tướng cũng kêu gọi sự chủ động, tích cực vào cuộc của địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ việc phức tạp, kéo dài.

Đối với nhiệm vụ quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2018 trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu 63 tỉnh thành một số việc: “Nhân dịp này, tôi cũng xin nói các đồng chí rằng, Chỉ thị của Ban Bí thư cũng như Chỉ thị của Thủ tướng sắp ban hành cũng sẽ nói tới chuyện dừng ngay việc biếu xén trong dịp Tết nhất nữa. Các địa phương không phải lên Trung ương đi biếu xén cho lãnh đạo vì chuyện này, chuyện kia cho tốn kém. Chúng ta không nhất thiết phải đặt vấn đề đó ra vừa tốn kém, đừng có sợ mất lòng, mang tiếng; phải đặt việc chống tham nhũng ngay từ địa phương, từ cơ sở bây giờ thì mới mong chuyển biến từ cơ sở. Đây cũng là nội dung rất quan trọng để các đồng cối ngăn chặn có hiệu quả việc này”.