Bất động sản năm 2022 đầy 'thăng trầm'
Đầu năm 2022, ngành địa ốc vươn lên vị trí số 2 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD. Giá trị M&A bất động sản quý I/2022 cũng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong quý I/2022, xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường....
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài khi đối mặt hàng loạt khó khăn như các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý, mất thanh khoản...
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động, bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu...
"Thị trường bất động sản năm 2022 phát triển khá bất thường. Nguyên nhân chính là do thị trường điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng. Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều.
Thị trường đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả", Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định.
'Vẫn còn khó khăn nhưng triển vọng là có'
Dự báo về năm 2023, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, có 2 kịch bản xảy ra.
Một là thị trường bất động sản năm 2023 khả năng vẫn còn khó bởi dòng vốn chưa được khơi thông.
Thứ hai là sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản này có thể xảy ra cao hơn.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ năm 2023 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý.
"Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, Sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; Sự đa dạng của các nguồn lực tài chính,... là những yếu tố có thể giúp ngành địa ốc hồi phục trong năm 2023", ông Lực nói.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn còn khó khăn nhưng triển vọng là có".
"Thị trường bất động sản cần phải điều chỉnh, đầu cơ không xấu nhưng nếu quá đà thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường địa ốc. Một nền kinh tế cần phải chuyển đổi từ đầu cơ sang đầu tư. Thị trường cũng phải tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, bất động sản mới có tương lai", ông Thiên nêu.
'Giải cứu' thị trường bất động sản
Thời gian qua, Chính phủ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong có có việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Chính phủ có công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội…
Các chuyên gia nhận định, trong khi các kênh đầu tư khác biến động mạnh, bất động sản vẫn được coi là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền. Đặc biệt là những dòng sản phẩm bất động sản thực, có tính thanh khoản cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, uy tín của chủ đầu tư thì càng được quan tâm nhiều hơn.
Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản cần phải có những điều chỉnh phù hợp, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và chờ tín hiệu điều chỉnh từ lãi suất, tăng trưởng tín dụng và những nỗ lực tháo gỡ những "điểm nghẽn" pháp lý mà Chính phủ đang thực hiện.