Sở TN&MT chưa có 483 tỉ đồng để trang bị máy móc phục vụ số hóa

(VOH) – Thách thức hiện nay là nguồn lực, phải chỉnh lý số hóa các kho hồ sơ từ trước năm 1975 đến nay. HĐND TPHCM đã có nghị quyết bố trí 519 tỷ đồng để chỉnh lý, số hóa hồ sơ giai đoạn 2021-2025.

Chiều 29/9, HĐND TPHCM tiếp tục giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị đối với Sở TN&MT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng TPHCM.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng báo cáo tại buổi làm việc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: vnexpress.net

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng báo cáo, việc duy trì hồ sơ giấy quá nhiều khiến việc giải quyết thủ tục hành chính đất đai cho người dân bị chậm trễ, như TP Thủ Đức số lượng hồ sơ trễ hẹn lên tới 30-40%. Theo ông Thắng, kế hoạch giai đoạn trung hạn 2021-2025, Sở được bố trí 519 tỷ đồng lập dự án quản lý '40.000 m' hồ sơ từ trước 1975 đến nay.

Về vấn đề máy móc, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, Sở TN&MT đã có đề xuất đầu tư 483 tỷ đồng cho ngành nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp do không nằm trong danh mục được ưu tiên. Việc số hóa và trang bị máy móc được thực hiện sẽ giúp giải quyết tình trạng ách tắt thủ tục nhà đất do nhân viên phải vô kho lấy hồ sơ.

Ông Thắng dẫn chứng nguồn thu từ đất đai trong 9 tháng đầu năm mà ngành tài nguyên môi trường đóng góp vào ngân sách thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hai dự án nêu trên tổng giá trị chưa tới 1.000 tỷ đồng.

"Nếu ngành được tái đầu tư sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn, nhưng thành phố còn nhiều việc phải ưu tiên như xây trường, đường...", ông Thắng nói.

Ông Thắng nhìn nhận và cho rằng thực tế, thành phố phải ưu tiên xây dựng trường học, đường sá… nên rất khó để đòi hỏi bố trí kinh phí cho tất cả các ngành. Phía Sở TN&MT TP đã chủ động tìm phương án giải quyết bằng việc xây dựng nhiều phần mềm để rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ. Hiện, Sở đang thí điểm phần mềm một cửa điện tử tại quận 1, 3 và TP Thủ Đức để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ đất đai.

TPHCM là địa phương có số lượng hồ sơ nhà đất nhiều nhất nước. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ chậm giải quyết tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đại của Sở Tài nguyên và Môi trường là 2,96%, tương ứng hơn 13.000 trường hợp.