Sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng

(VOH) - An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

luật an ninh mạng

Kết quả biểu quyết của Quốc hội về dự thảo Luật An ninh mạng. (Ảnh: Vnexpress)

An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này. 

Điều 9 của Luật An ninh mạng nêu rõ:  “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Đồng tình với việc ban hành luật này, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Ủy viên Hội Đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng: “Để làm tốt phương thức sử dụng CNTT mình cũng cần có luật để bảo vệ tính nghiêm minh. Nếu có luật này nhằm đưa đến vấn đề an ninh theo nguyên tắc được kiểm tra, kiểm soát được thì sẽ tốt. Nếu như mình không có luật thì ai cũng muốn làm gì thì làm tự làm theo ý cá nhân. Còn nếu mình có luật thì mọi người cũng sẽ tuân thủ theo cái luật này”.

Ông Đoàn Thiên Phúc, Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Setek Việt nêu quan điểm: “Khi chính thức thông qua luật này theo những thông tư, Nghị định cụ thể thì chắc chắn chúng ta sẽ có một môi trường mạng nó an toàn và quy chuẩn hơn. Thông qua Luật An ninh mạng thì chúng ta sẽ có một công cụ tốt hơn để kiểm soát cũng như bảo vệ tốt hơn thông tin cũng như vấn đề an toàn của người dân. Tuy nhiên, theo tôi cũng cần nhìn đến liệu các cán bộ đã đủ về kiến thức cũng như kinh nghiệm trong môi trường quản lý mạng hay chưa?”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, ngụ ở quận Thủ Đức, TPHCM, việc bảo vệ an ninh mạng, chống hacker, chống lan truyền thông tin xấu, không đúng sự thật có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát của một bộ phận người dân là cần thiết: “Luật an ninh mạng là cần thiết. Vì mọi người theo dõi thời gian vừa qua. Một số người tụ tập ở một số địa phương liên quan đến việc phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phần lớn những lời kêu gọi, kích động đều lan truyền trên mạng internet và những thông tin đó thường không có kiểm chứng, không có cơ sở mà người ta chỉ xuyên tác theo một ý nghĩa khác khiến người dân hiểu sai vấn đề vì vậy việc kiểm soát những thông tin ở trên mạng để đảm bảo những thông tin chính xác và phục vụ người dân thì luật này rất cần thiết”.

Nhiều người lo ngại việc bày tỏ ý kiến cá nhân sẽ vi phạm pháp luật nhưng theo luật thì chỉ những hành vi xúc phạm nhân phẩm, tôn giáo, dân tộc, quyền trẻ em thì mới bị cấm. Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền TPHCM, nhìn nhận: “Trong thực trạng thông tin mạng tràn lan như hiện nay thì người ta có thể sử dụng mạng hoặc các website  để thực hiện các hành vi phạm tội, kích động, xúi giục. Thậm chí lừa đảo hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau rất nhiều mà chưa có một biện pháp nào phòng ngừa hiệu quả. Vì vậy việc ra đời luật an nih mạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cần điều chỉnh và định hướng như thế nào đó để tốt hơn. Vì thực tế mạng xã hội không phải lúc nào cũng là tiêu cực mà còn nhiếu mặt tích cực ở trong đó”.

Nhiều cử tri và nhân dân bày tỏ lo ngại về công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng nhằm chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.

Bình luận