Tai nạn lao động và những nỗi đau dai dẳng

(VOH) - Tai nạn lao động luôn là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà những người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng.

Nghiệt ngã với tai nạn lao động

Lê Thanh Bình, ở phường Phước Long B, Quận 9 làm việc tại Công ty Đúc Việt, bị tai nạn khi leo lên sửa cẩu, bị điện giật té xuống. Hiện anh không thể đi lại, chỉ nằm một chỗ, vợ phải xin nghỉ việc, về nhà nhận may quần áo gia công để thuận tiện chăm sóc chồng.

Thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống khó khăn vô cùng, con còn đang đi học, thêm mẹ già 82 tuổi cũng nay yếu mai đau, kinh tế ngày càng kiệt quệ. Từ một người bình thường và là trụ cột kinh tế của gia đình, bỗng chốc anh trở thành người khuyết tật với tỷ lệ mất sức lao động 94%.

Bình nghẹn ngào cho biết, không chỉ gánh chịu nỗi đau thể xác mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần vì không biết phải làm gì để chăm lo cho gia đình, vợ con. 

”Té từ 7m, rớt ngay xuống đống sắt, gãy một đốt xương sống, dập một đốt, lủng sọ, lúc nào vết thương cũng đau nhức hết ! Nằm một chỗ không có làm gì, nhờ bà xã chăm sóc dùm nên khó khăn lắm, không có đủ tiền chi tiêu”, Bình than thở. 

Nghe nội dung bài viết hoặc đọc chi tiết

Nguyễn Minh Đức, ngụ ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức bị thương tật 65%, cụt một chân. Khi anh đang làm việc trong nhà máy của Công ty TNHH thép Thiên Lộc Phát ở Khu công nghiệp Sóng thần 2, Dĩ An, Bình Dương, bị cuộn tôn nặng hơn 4 tấn sập giàn đỡ lăn vào, làm chân phải giập nát hoàn toàn và phải cắt bỏ vào cuối năm 2015.

“Mình đi kiểm tra mà bị cuộn tôn nó lăn và làm dập nát mất một chân, phải đi chân giả, mà công ty thì cần người chạy nhiều, đi lại quan sát nhiều nên giờ mình không còn phù hợp với công việc nữa thì phải nghỉ”, Đức giải thích

Cấp cứu nạn nhân một vụ tai nạn lao động do điện giật tại khu vực quận 1 , TPHCM - Ảnh: NLĐO

Cần một "cú đấm mạnh"

Ông Nguyễn Quốc Việt – Trưởng Phòng An toàn - Vệ sinh lao động của Sở LĐTB&XH TPHCM thừa nhận: “Tình hình tai nạn lao động không giảm là vì các doanh nghiệp phát triển liên tục và ở loại hình vừa, nhỏ. Họ không am hiểu an toàn - vệ sinh lao động, kể cả khi có tập huấn, mời họ lên, họ cũng không đi. Nếu có xảy ra tai nạn lao động thì họ giải thể doanh nghiệp và xin thành lập DN khác để tiếp tục hoạt động”.

Ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh thanh tra Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: “Tỷ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người lĩnh vực xây dựng ở TP rất cao, trên 50%. Đặc biệt, các công trình ở TP mỗi năm một nhiều hơn và tỷ lệ tai nạn dao động 50 đến 60 vụ/năm, đòi hỏi cần phải có một “cú đấm mạnh” để giải quyết có trọng tâm, trọng điểm”.

Có thể khẳng định tai nạn lao động luôn là những thảm họa được báo trước. Hầu hết các chủ doanh nghiệp viện rất nhiều lý do để “trốn” trách nhiệm với sức khỏe của người lao động nhưng chung quy là vì chưa thật sự quan tâm đến công nhân.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Trước hết tập trung chỉ đạo các cấp các ngành, nhất là người sử dụng lao động phải tuyên truyền cho người lao động về các văn bản, thông tư hướng dẫn về Luật An toàn – Vệ sinh lao động đã được Quốc hội ban hành. Đảm bảo trước khi tuyển dụng người lao động phải được huấn luyện các quy chuẩn để tránh tai nạn lao động và ngăn ngừa hạn chế tai nạn về bệnh nghề nghiệp”

Theo ông Phan Đăng Thọ - Phó Chánh thanh tra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ý thức của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong lĩnh vực xây dựng chưa cao, không có quy trình, biện pháp an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, các thiết bị không bảo đảm an toàn, không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân:

“Công nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là công nhân hợp đồng ngắn hạn, thời vụ, nông nhàn. Người sử dụng lao động cũng chưa có đủ thời gian huấn luyện và trang bị các kỹ năng. Vì vậy, một giải pháp là tăng cường tuyên truyền, giáo dục và thanh tra. Đây cũng là mục tiêu chính của chiến dịch thanh tra mà Bộ sẽ tiến hành trong thời gian tới”. 

Theo Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2016 cả nước xảy ra 8.000 vụ tai nạn lao động làm hơn 8.200 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 800 vụ, làm chết hơn 860 người, bị thương nặng gần 2.000 người.

Các nguyên nhân chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã độ cao, điện giật, vật rơi, sập giàn giáo, máy móc cán, kẹp… Trong đó, TPHCM là địa phương đứng đầu về số vụ tai nạn lao động, trên 1.700 vụ và số người chết vì tai nạn lao động là hơn 110 người.