Tăng cường đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất

VOH - Sở LĐ-TBXH TPHCM có hướng dẫn doanh nghiệp phân loại lao động theo điều kiện công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

Trước tình hình tai nạn lao động vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 245, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức vừa qua, cơ quan chức năng đã có hướng dẫn doanh nghiệp phân loại lao động theo điều kiện công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

57dfd3c3-edae-488d-ac30-5c11415b22fe_voh
Đoàn đại biểu trả lời câu hỏi cho doanh nghiệp tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 245, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố

Việc phân loại lao động theo điều kiện lao động, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 10 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

6ff63871-0b76-4d8d-a9a4-cc2af7235625_voh
Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị

1. Người sử dụng lao động thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động lần đầu và khi có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất dẫn đến việc thay đổi về điều kiện lao động hoặc khi thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động mà phát hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới phát sinh so với lần đánh giá trước đó nhưng phải bảo đảm thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại điều kiện lao động tối thiểu 01 lần trong vòng 05 năm.

2. Đối với nghề, công việc tại nơi làm việc thuộc Danh mục nghề đã được người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp loại trừ, giảm thiểu tác động của các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động tổ chức đánh giá, phân loại lao động và đề xuất về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, có ý kiến về kết quả đánh giá, phân loại lao động. Trong đó phải gửi kèm các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

3. Tổ chức đánh giá, phân loại lao động theo phương pháp phân loại lao động được ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Đối với các nghề, công việc đã được đánh giá, phân loại lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không còn đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động không phải thực hiện các chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Về việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.  Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 8 Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

1. Căn cứ vào quy định về trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân được ban hành tại Thông tư này và thời hạn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được quyết định, hằng năm, người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng), trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

2. Kiểm tra chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân trước khi trang cấp, trong quá trình sử dụng. Trường hợp cấp phát cho người đại diện ở tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc thì phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc giao nhận phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

3. Lập sổ trang cấp, theo dõi việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân có chữ ký xác nhận của người lao động hoặc người đại diện của tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc nhận phương tiện bảo vệ cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.Khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện số hóa việc theo dõi, cấp phát trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, bảo đảm việc xác nhận của người lao động phù hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi quyết định thời hạn sử dụng, số lượng phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động.

5. Bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động và quy định tại Thông tư này.

6. Khi thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này, người sử dụng lao động phải đồng thời báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này để đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung vào danh mục”.

Về bồi dưỡng bằng hiện vật, được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Theo đó, điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định tại Điều 3 Thông tư số 24/2022/TT – BLĐTBXH: Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:

1. Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:

a) Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

b) Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động). Việc xác định các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều này phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật”.