Tăng đại biểu chuyên trách cho TPHCM khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị

(VOH) - Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Trước đó trong đợt 1 kỳ họp, Quốc hội đã tổ chức thảo luận về nội dung này. Hầu hết đại biểu Quốc hội phát biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và đóng góp thêm nhiều giải pháp để việc tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. 

Theo các đại biểu, với vai trò, vị trí đầu tàu, quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển, tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo ra mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với một siêu đô thị đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng cho rằng đây là việc cần làm ngay, mà không cần thí điểm: "Từ quan điểm của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII đến Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019. Tổ chức chính quyền đô thị đã có quy định rất cụ thể về chính quyền địa phương ở quận và phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tại Sóc Trăng và các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV đồng tình và ủng hộ chủ trương cấp thiết thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần thí điểm, để đến tháng 7/2021, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững".

Đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng. Ảnh: quochoi.vn

Cùng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang cho rằng Nghị quyết cần được ban hành theo thủ tục rút gọn để đảm bảo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, để quá trình tổ chức hiệu quả, thành công, chính quyền thành phố cần lưu tâm một số việc: "Cần rà soát các chính sách trong Nghị quyết 54 thực sự có hiệu quả, cũng như xem xét để bổ sung những quy định mới, chính sách phù hợp đặc thù vượt trội, có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính hiện nay để thực hiện đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đạt kỳ vọng khi nghị quyết đã được ban hành. Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, để triển khai thực hiện nghị quyết từ ngày 01/7/2021, đòi hỏi cần có thời gian chuẩn bị ban hành hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ được làm việc trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đánh giá Hội đồng nhân dân Thành phố có những thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, tổng kết thí điểm có nhiều ưu điểm, thành công. Đại biểu cho rằng đây là thời điểm để TP đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho TP tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đại biểu Quyết Tâm cũng đề nghị Quốc hội cho tăng số đại biểu chuyên trách HĐND TP để đảm bảo hoạt động giám sát hiệu quả. "Với 2 phương án, phương án tối ưu mà tôi đeo đuổi đề nghị từ trước tới nay nếu thực hiện đó là cho 19 đại biểu chuyên trách, có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các đại biểu chuyên trách còn lại ở các ban, Trưởng ban và các Phó trưởng ban để đủ quyền đại diện ít nhất một đơn vị hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh có một đại biểu chuyên trách theo dõi. Còn nếu không được như vậy, Quốc hội cố gắng cho Thành phố Hồ Chí Minh giữ như số đại biểu chuyên trách hiện nay là 16 đại biểu chuyên trách, nhưng tôi nghĩ 19 sẽ tốt hơn", đại biểu  Quyết Tâm đề nghị.

Báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm về nghị quyết này, trong đó có nội dung thực hiện dân chủ nếu không có Hội đồng nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: "Trong dự thảo nghị quyết đã nói rất rõ, tức là mặc dù không có Hội đồng nhân dân nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quận và phường đã được chuyển giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố. Bên cạnh đó, chịu sự giám sát của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố. Tôi thống nhất với ý kiến đại biểu Lê Thanh Vân phải tăng cường dân chủ trực tiếp những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người dân. Sắp tới, Bộ Nội vụ trình Quốc hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng tôi sẽ quy định cụ thể hơn về những nơi không có Hội đồng nhân dân sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp. Nếu không có dân chủ đại diện thì chúng ta phải tăng cường dân chủ trực tiếp.

Cuối giờ phiên họp sáng 12/11, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự đối với ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bổ nhiệm 3 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là ông Trần Hồng Hà, Phạm Quốc Hưng, Ngô Hồng Phúc.

Buổi chiều, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội Biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.