Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thanh niên xung phong TPHCM với những ký ức không phai

(VOH) - Những ngày này cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở lực lượng TNXP TPHCM tập trung cho công tác thăm hỏi các thương binh là cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ TNXP, mẹ Việt Nam anh hùng.

Một trong những hoạt động trọng tâm nhất trong tuần này đó chính là lãnh đạo, cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong qua các thời kỳ, cùng thân nhân các liệt sĩ TNXP đã đến thắp hương và dâng hoa để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong TPHCM, nằm trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Trong dòng người thắp hương, dâng hoa các liệt sĩ TNXP đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc lần này có bà Nguyễn Thị Hồng Dung, cựu TNXP TPHCM. Hiện nay, bà đã bước sang tuổi 70, sức khỏe đã có phần giảm sút, đi lại hơi khó khăn do xương khớp ở tuổi già nhưng bà Dung vẫn nhớ rõ những ngày tháng của tuổi trẻ năm xưa.

Hồi ấy, bà tham gia Thanh niên xung phong lúc 28 tuổi. Nhà neo người, chỉ có 2 bố con bà nương tựa vào nhau để sống. Nguồn thu nhập chính của 2 cha con đều dựa vào gánh tuồng Hò Quảng ở Quận 5 nên cũng rất bấp bênh. Thế rồi, theo tiếng gọi của đất nước, bà đăng ký tham gia Thanh niên xung phong và được biên chế vào Đại đội 3, thuộc liên đội Dũng Tiến, chủ yếu hoạt động ở xã Cầu Khởi, nay thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Công việc của bà bắt đầu từ 5h sáng, nhiệm vụ chính được giao là cáng thương binh, bệnh binh: "Tôi nhớ lắm. Lúc ở Cầu Khởi công việc chủ yếu là ở bên đó (bên kia biên giới) tải thương về, tui bên này giúp đỡ cho thương binh. Công việc chú yếu là chăm sóc ăn uống, khi nào thương binh cần cái gì thì chúng tôi tiếp cho họ. Các thương bình này hầu hết được chuyển về từ nước bạn, họ chỉ nằm tạm thời ở đây. Đối với những trường hợp nặng thì sẽ chuyển xuống Thành phố".

Lần đầu tiếp xúc với thương binh, có những người bị thương máu me đầm đìa, bà Dung cảm thấy choáng. Có bữa bà còn không ăn nổi một chén cơm. Đó là chưa kể có những thương binh khi bị cơn đau do vết thương hành hạ, nhiều người không còn kiểm soát được thái độ và lời nói của mình. Những lúc như thế, bà Dung và các y, bác sĩ làm việc ở hậu cần phải cố gắng chịu đựng, lắng nghe những lời nhiếc móc, sau đó bà mới nhẹ nhàng lựa lời để an ủi, động viên.

Dù vậy, cũng có những lúc bà và các đồng đội cảm thấy rất buồn khi có thương binh vì vết thương quá nặng phải hy sinh. Kể đến những ký ức buồn này, cuộc trao đổi giữa cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hồng Dung với chúng tôi cứ bị ngắt quãng: "Có những người mệt thì chúng tôi đổ nước cháo hoặc đổ sữa cho họ uống để lấy lại sức nhưng nhiều người đau quá, có khi họ hất đổ tất cả luôn. Lúc đó, tôi đâu biết phải làm sao ngoài việc phải động viên, an ủi và nói lời vỗ về họ".

Còn ông Trần Quốc Lương, Hội Cựu TNXP Quận 6 thì cho rằng: bản thân ông may mắn hơn các đồng chí, đồng đội khác vì ông tham gia Lực lượng TNXP khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã sắp hoàn tất. Khi lên đường thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước, bảo vệ Tổ quốc, ông Lương vừa tròn 21 tuổi và được phân công đảm nhiệm công việc hậu cần ở khu vực Xa Mát, nay thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, từ tháng 12/1978 - 01/1979.

Quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để ông cảm nhận được sự khốc liệt của đạn bom, của lằn ranh sinh tử, giữa sự sống và cái chết, từ đó mới thấu hiểu hết tinh thần xung kích, đi đầu và dám dấn thân của tuổi trẻ Thanh niên xung phong: "Thời đó khó khăn lắm. Ăn uống thì thiếu thốn, sinh hoạt nước nôi cũng không có. Có lẽ vì vậy mà sức khỏe của chúng tôi thời kỳ đó cũng hơi kém.

Trong những năm tháng đó, cũng có những đồng đội của tôi đã hy sinh. Chiến trường mà nên điều đó làm sao tránh khỏi. Chỉ tiếc là đồng đội chúng tôi khi ấy hy sinh ở lứa tuổi đôi mươi, ra đi ở tuổi thanh xuân.

Cho nên được sống trong hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, tôi luôn nhớ lại những đồng chí, đồng đội của mình khi xưa ấy. Có lẽ vì vậy mà 27/7 hằng này chúng tôi luôn tới đây để thắp một nén nhang cho hương hồn của họ được ấm áp".

Đặt chân lên vùng đất Tây Nam của Tổ quốc - nơi xưa kia mình đã từng chiến đấu và chiến thắng, trong ký ức của những cựu TNXP, những ngày tháng gian khổ, khốc liệt năm nao lại có dịp ùa về.

Còn nhớ, ngày 30/4/1975 với niềm vui giải phóng, thống nhất chưa được bao lâu thì tháng 4/1977 quân Khơ-me đỏ đã xâm lấn, tàn sát dã man đồng bào ta tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, cán bộ, đội viên TNXP đang tham gia lao động sản xuất, khai hoang phục hóa ở các huyện ngoại thành đã quyết tâm xung phong ra chiến trường, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trên chiến trường ấy, 99 cán bộ, đội viên TNXP đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam, Lực lượng Thanh niên xung phong đã chọn ngày 22/7 làm Ngày giỗ hằng năm tri ân các đồng chí, đồng đội Thanh niên xung phong, những người đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nói về việc chọn nơi đây làm địa điểm để xây dựng Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP TPHCM, ông Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TPHCM cho hay: "Địa điểm này, ngày xưa là rừng Nhum, nơi đầu tiên lực lượng TNXP tham gia biên giới Tây Nam trú đóng để bắt đầu tham gia phục vụ ở biên giới tây Nam.

Do vậy, Ban Thường vụ, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Lực lượng TNXP chọn địa điểm này để làm nơi thờ cùng liệt sĩ, cũng gần với nơi mà các anh chị đã hy sinh. Khi tới đây viếng cũng để tưởng nhớ các anh chị, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó, dịp này, chúng tôi đều có kế hoạch tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ TNXP.  Hoạt động này cũng có ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, luôn luôn tưởng nhớ và tri ân các Liệt sĩ TNXP đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc".

Trong không khí trầm hùng của ca khúc “Những vết chai cho Tổ quốc”, cảm xúc và hoài niệm về những năm tháng của tuổi trẻ lại dào dạt ùa về trong lòng những cựu Thanh niên xung phong. Cảm xúc còn truyền cho cả những người là thân nhân của những liệt sĩ Thanh niên xung phong.

Bà Nguyễn Thị Khuy, chị gái của liệt sĩ TNXP Nguyễn Đức Huy cho biết, em trai mình đã hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam lúc mới 19 tuổi. Ngày nhận hung tin ấy, cả gia đình ngỡ ngàng đến bàng hoàng vì mất mát quá lớn này. Thế nên, mỗi năm, đến ngày Giỗ của 99 liệt sĩ TNXP, dù bận bịu đến mấy, gia đình cũng luân phiên cử người đi thay, đến để thắp một nén hương lên bàn thờ chung của 99 liệt sĩ TNXP để người ra đi cảm thấy được ấm lòng.

Lần thứ 2 trở lại Khu tưởng niệm TNXP TPHCM để thắp hương cho các hương hồn liệt sĩ TNXP, bà Nguyễn Thị Thủy, thân nhân của liệt sĩ TNXP Nguyễn Quý Vỹ chia sẻ: "Tôi vô cùng xúc động vì có ông anh bị mất khi còn rất trẻ, hy sinh khi chưa có gia đình. Anh tôi thuộc lớp TNXP đầu tiên đăng ký đi bảo vệ biên giới Tây Nam. Anh chết đi là sự mất mát rất lớn đối với gia đình. Hôm nay, tui tạm gác hết công ăn việc làm để lên đây thắp nén hương cho anh. Lần trước, cách đây 7 năm tôi cũng đã lên đây rồi, lúc đất Khu tưởng niệm còn hoang vắng lắm, chưa được đầu tư làm đẹp như bây giờ"..

Đối với cựu TNXP Vũ Thị Xuân Đào, những lần đặt chân lên Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP, cảm giác của những ngày tháng xưa cũ lại ào ạt dội về.

Từ một cô gái tuổi mới 15, bà đã có hơn 7 năm 3 tháng gắn bó với TNXP. Trong quãng thời gian phục vụ chiến đấu, bà đã được chứng kiến và trực tiếp giúp đỡ các thương binh. Công việc cáng thương đã giúp bà trưởng thành, rắn rỏi hơn. So với các đồng chí đồng đội khác, với bà Đào, điều may mắn nhất là bản thân còn được trở về sum họp với gia đình trong một hình hài nguyên vẹn, dù đôi lần cứ tưởng đã nằm lại trên chiến trường: "Tôi thấy mình rất vinh dự được thăm các đồng đội, các Liệt sĩ TNXP. Ngày xưa tôi cũng có tham gia vào chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ngày đó khốc liệt lắm, nó luôn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm khó phai. Bây giờ, được quay trở về đây, tôi cảm thấy biết ơn những ngày tháng gian khổ của hơn 44 năm về trước. Dịp này, đến đây, tôi tưởng nhớ đến các Liệt sĩ TNXP cùng thời của mình đã nằm xuống nơi đây. Nhiều người ra đi ngay trước mắt mình khiến tôi không thể nào quên được".

Khó có thể nói hết những cảm xúc, những kỷ niệm của các cựu TNXP khi được đặt chân trở về với nơi xưa kia mình và các đồng đội đã lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ biên cương, đất nước. Những ký ức vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Với những người còn sống, năm tháng và tuổi tác cũng đã dần lấy đi sức khỏe của họ, song những kỷ niệm, những ký ức tinh thần về một thời hào hùng TNXP, đặc biệt là những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc rõ ràng là những trang sử không thể nào quên.

Hữu Nghị

Dự báo thời tiết hôm nay 27/7: Bắc bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to từ chiều tối: Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ hôm nay (27/7) vùng hội tụ gió lên đến mực 5000m hoạt động mạnh dần nên ở Bắc Bộ có mưa, nắng nóng có 

 

Từ 13 giờ ngày 26/7, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, học sinh nghỉ học: Từ 13 giờ ngày 26/7, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng,...

Bình luận