Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư BOT, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát, chủ động tháo dỡ các biển báo không còn phù hợp với hình thức thu phí không dừng tại khu vực các trạm thu phí do đơn vị quản lý.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trước đây – khi còn áp dụng hình thức mua vé giấy, nhiều lái xe cố tình kéo dài thời gian dừng đỗ tại trạm gây ùn tắc. Việc cắm biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" nhằm giải quyết tình trạng này.
Theo Cục Đường bộ, tại một số trạm thu phí còn các biển báo chưa phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng như biển "Cấm dừng xe quá 5 phút"; "Cửa nhận vé"...
"Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, VEC khẩn trương rà soát, chủ động tháo dỡ các biển báo không còn phù hợp với hình thức thu phí không dừng tại khu vực các trạm thu phí do đơn vị mình quản lý. Biển báo hiệu thu hồi phải được quản lý, bảo quản theo quy định", Cục Đường bộ yêu cầu.
Năm 2018, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ và nhà đầu tư BOT lắp đặt biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" cách cabin khoảng 50 m. Biển được lắp trên dải phân cách giữa; lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm 100-200 m.
Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2 triệu đồng, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng (theo Nghị định 46 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Giải pháp này được áp dụng trong bối cảnh nhiều chủ xe cố tình dừng xe để phản đối thu phí tại một số trạm BOT, nhất là tại khu vực phía nam. Khi đó, nhiều trạm BOT đã diễn ra việc lái xe trả tiền lẻ, tiền xu khi qua trạm thu phí BOT để phản đối việc trạm đặt sai vị trí hoặc mức phí quá cao, khoảng cách giữa hai trạm dưới 70 km.
Hiện nay, cả nước có 89 trạm thu phí BOT đã lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.