Chiều 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó Luật này quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội và bắt đầu thực hiện từ Quốc hội khóa XV.
Luật này cũng quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động choVăn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Chính quyền đô thị tại Đà Nẵng sẽ được thực hiện theo mô hình: Tại thành phố Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; tại các quận và phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc: vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND.
Nghị quyết cho phép Đà Nẵng được hưởng một số chính sách đặc thù đáng chú ý như: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước. Trong đó, hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định mức Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí…