Chờ...

Thu ngân sách nhà nước, thu thuế đều giảm

VOH - Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2023, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân dẫn tới số thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng giảm, bên cạnh lý do xuất phát từ nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, còn xuất phát từ việc thực hiện các chính sách tài chính hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, cơ quan thuế, hải quan triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: BTC

Tại cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 10 và những tháng cuối năm của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều 3/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, số thu do ngành Thuế quản lý trong tháng 9 đạt 75.600 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, thu nội địa ước đạt 1.013,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76% dự toán, giảm 3,2% so cùng kỳ năm 2022.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự kiến trong quý cuối cùng của năm, thu ngân sách sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm phấn đấu thu đạt dự toán được giao.

Xem thêm: Tiết kiệm 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn nên toàn ngành tập trung vào công tác thu ngân sách, xây dựng chính sách pháp luật, tăng cường quản lý giá, quản lý thị trường tài chính minh bạch, đúng pháp luật.

Bộ Tài chính tập trung vào các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng thu đủ, thu kịp thời, tăng cường thu hồi nợ đọng, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.

Đồng thời, cần tăng cường quản lý giá cả nhất là các mặt hàng quan trọng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, điện... đảm bảo điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động minh bạch, đúng pháp luật.