Theo Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân, trong đó tại tỉnh Nghệ An mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, trên 8.000 ngôi nhà bị ngập, trên 10.000 hecta lúa và hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, một số công trình đê điều, hồ đập thủy lợi đã xảy ra sự cố, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân lên trên hết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua (trong đó có tỉnh Nghệ An) tập trung chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ khó khăn.
Xem thêm: Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4: Nhiều địa phương tại miền Trung ngập lụt do mưa lớn
Bên cạnh đó, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do bão lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, trôi, hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, khát. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.
Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa bão và lũ lụt là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai. Theo Bộ Y tế |