Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang

(VOH) - Chiều ngày 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: VGP

Dẫn lời nói của Bác Hồ nhận định Bắc Giang có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng bào tỉnh Bắc Giang lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành góp ý về những giải pháp phát triển cho Bắc Giang, để làm sao tỉnh miền núi này phát huy được các lợi thế như có các danh thắng nổi tiếng, sản vật đặc sắc… Bên cạnh đó, cần quan tâm giải quyết các kiến nghị của Bắc Giang, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách cho tỉnh phát triển.

Kết luận cuộc làm việc, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổng kết 10 điểm sáng nổi trội của Bắc Giang trong nhiệm kỳ này.

Thứ nhất, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, đến nay vươn lên thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2020 đạt trên 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước.

Hai là, tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, ổn định. Năm 2019, GRDP tăng 16,2%, là một trong 3 tỉnh có tốc độ tăng cao nhất cả nước.

Ba là, thu ngân sách Nhà nước vượt xa so với mục tiêu nghị quyết mà tỉnh đề ra, năm 2019 đạt mức cao nhất trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 18,3%.

Bốn là, thu hút đầu tư tăng mạnh, từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được trên 5,8 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,5 lần cả giai đoạn 2011-2015 (riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, gấp 4,3 lần). Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có sức hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư.

Năm là, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Sáu là, tích tụ đất đai và đổi mới sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình. Tỉnh đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 50.000 ha, là 1 trong 3 tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất cả nước, có tổng đàn lợn lớn thứ 4 và đàn gà đứng thứ 3 toàn quốc.

Bảy là, xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,5% tổng số xã trong tỉnh. Đây là bước đi quan trọng để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân. “Cái vui nhất, phấn khởi nhất của người lãnh đạo là đất nước thành bình, đời sống nhân dân no ấm”, Thủ tướng bày tỏ.

Tám là, lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được triển khai đồng bộ, có nhiều nổi trội.

Chín là, quốc phòng an ninh, phòng chống buôn lậu được tăng cường.

Thứ 10, Bắc Giang là một tỉnh đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng. Lòng tin vào Đảng ngày càng cao, khát vọng phát triển ngày càng lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng trò chuyện, động viên bà con vùng vải có sản lượng hàng đầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bắc Giang triển khai Nghị quyết của Chính phủ về gói an sinh xã hội, đến nay đã chi trả xong tiền hỗ trợ với 4 nhóm đối tượng và đến nay, chưa phát hiện, phát sinh khiếu kiện.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Bắc Giang một số vấn đề để phấn đấu nhiều hơn, hiệu quả hơn. Đó là tăng trưởng của tỉnh còn phụ thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn FDI. Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế là để tăng thu nhập cho người dân, đây là đích chúng ta hướng đến. Phát triển kinh tế là làm sao nâng cao đời sống người dân, làm sao người dân giàu hơn.

Hiện nay, tăng trưởng của Bắc Giang còn dưới mức tiềm năng. Đất đai, giao thông, dịch vụ logistic còn nhiều vấn đề bức xúc; chưa thu hút nhiều dự án lớn, chất lượng cao. Bắc Giang vẫn là tỉnh nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Đô thị mới, đô thị thông minh, đô thị vệ tinh… chưa phát triển rõ và thấp hơn mức bình quân cả nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung thực hiện mục tiêu kép thành công. Đó là phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch, ngân sách Nhà nước năm 2020, đóng góp cho Tổ quốc vượt qua khó khăn một cách quyết liệt, đồng bộ và chú ý phòng chống COVID-19.

Làm tốt và  đẩy nhanh tiến độ để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang triển khai các nội dung của quy hoạch.

Thủ tướng cũng chia sẻ với tầm nhìn, mục tiêu mà tỉnh đặt ra, trong đó phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, lấy công nghiệp là động lực phát triển.

“Tỉnh cần tận dụng lợi thế, vị trí, văn hóa, con người ở đây trong phát triển bền vững. Cho nên phải xác định và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, xuyên suốt, rõ ràng hơn. Chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tư duy phát triển mang tính dài hạn, có định hướng, tiêu chí rõ ràng để phát triển bền vững. Trong đó đặc biệt trong năm 2020-2021 vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển để nâng tốc độ phát triển của tỉnh lên”, Thủ tướng nói. “Có nhiều ý kiến góp ý chỉ cần phát triển bình bình, không cần nhanh, nhưng rõ ràng quy mô của chúng ta còn thấp quá, quy mô kinh tế Việt Nam quá thấp, bình quân đầu người còn quá thấp, nên yêu cầu tốc độ phải cao hơn, quy mô phải lớn hơn”.

Nhấn mạnh con người là vốn quý nhất đối với quá trình phát triển của một quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bắc Giang phải phát huy lợi thế nhân lực dồi dào trong bối cảnh dân số vàng; quan tâm đào tạo chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tỉnh cần coi phát triển cơ cấu hạ tầng, kể cả hạ tầng số, công nghệ số, điện thoại thông minh để thanh toán điện tử… là một khâu đột phá. Nông dân Bắc Giang phải là người tham gia thanh toán điện tử tốt nhất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Bắc Giang có đa dạng sinh học rất lớn, điều kiện đất đai rất quan trọng cho nên  phải xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững. Xây dựng tập đoàn cây ăn quả đa dạng bền vững; phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để phục vụ nhân dân, phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cần phát triển đa dạng, linh hoạt các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ du lịch, một thế mạnh chưa được khai thác tốt. Trong phát triển phải quan tâm lý bảo vệ khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; áp dụng các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của Bắc Giang với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Sau buổi lễ, đoàn xe container chở vải đi tiêu thụ tại các thị trường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trung Quốc…

Sự kiện này diễn ra cùng dịp tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước và 2 điểm cầu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vải chính của tỉnh.

Thủ tướng đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm "Vườn quả Bác Hồ" (tiền thân là "Rừng cây Bác Hồ" hình thành vào năm 1970) tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; trò chuyện, động viên bà con vùng vải có sản lượng hàng đầu tỉnh Bắc Giang.

Thủ tướng cũng đã đến thăm cụm di tích quốc gia Tiên Lục (gồm chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa và cây Dã Hương nghìn năm tuổi) thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang.