Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sớm đưa vaccine COVID-19 đến người dân trong quý I/2021

(VOH) - Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 vào sáng 2/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sớm đưa vaccine ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I/2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả về kinh tế và y tế, thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới và chăm lo Tết cho nhân dân chu đáo.

Cảnh giác nhưng không gây hỗn loạn

Từ ngày 27/1 đã xuất hiện một số ca COVID-19 trong cộng đồng, đến nay, có 271 ca ở 10 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, vào cuộc với biện pháp đúng đắn, kịp thời.

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã chỉ đạo chia 3 mũi, làm ngay 3 bệnh viện dã chiến. Nhờ xác định đúng điểm dịch, có nhiều cách làm mới của anh em y tế của Quảng Ninh, Hải Dương, xét nghiệm ngay cả F4, đến thời điểm này, ổ dịch ở sân bay Vân Đồn, ổ dịch ở Chí Linh - Hải Dương đã cơ bản khống chế tốt. Còn ở Hà Nội, đến hôm qua đã xét nghiệm mấy ngàn mẫu, hiện vẫn còn 3.000 mẫu đang xét nghiệm.

Với khẩu hiệu: “cảnh giác nhưng không được làm hỗn loạn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu những ai từ vùng dịch đi ra nhất thiết phải khai báo, nếu giấu kiên quyết xử lý. Đồng thời, khuyến khích người dân đeo khẩu trang, các cơ sở y tế, bến bãi, giao thông, trường học, nhà máy phải có hướng dẫn và áp dụng các biện pháp an toàn. “Những ai từ vùng dịch đi ra có hiện tượng mà không khai báo, trốn, dứt khoát xử lý hình sự để làm gương. Bởi vì nếu từ vùng dịch ra mà cách ly, không khai báo, rất nguy hiểm. Tôi cũng nói con số để các đồng chí Chính phủ hình dung, số lượng ban đầu khoảng 15.000 người đi từ vùng dịch Chí Linh, nhưng mà họ chỉ tự nguyện khai báo y tế có 5.000 người. Sau đó cùng với anh em công an và chính quyền địa phương, tổ chi tiết liên ngành, công kích toàn mạng xã hội, bây giờ tìm được 15.000 người. Vẫn còn một số đối tượng chúng ta phải kiên quyết và tuyên bố sau này nếu phát hiện ra thì phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự. Tôi đề nghị cái này phải hết sức kiên quyết. Chúng ta trước đây phải khai báo y tế đối với người nhập cảnh, không bắt buộc người dân. Trong tình hình hiện nay, theo tôi muốn đất nước phát triển được, nên bắt buộc khai báo y tế toàn dân. Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Y tế đảm bảo rằng, dữ liệu khai báo của dân dùng để chống dịch, không dùng mục đích nào khác”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chiến sĩ công an làm nhiệm vụ biên phòng, chống dịch mong được động viên, tuyên truyền

Về tăng cường công tác tuần tra biên giới, Bộ Trưởng Bộ Công an - Tô Lâm cho biết tình hình buôn bán, xâm nhập an ninh trật tự biên giới và dịch bệnh cũng diễn biến rất phức tạp. Bộ Công an đã triển khai 415 xã biên giới, các địa phương, bố trí nhà ở cho lực lượng công an ở 415 xã biên giới, có nơi tá túc trong mùa đông giá lạnh này để đi tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và kiểm soát dịch bệnh. Bộ Trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tuyên truyền thêm về những vất vả, hy sinh của các chiến sĩ không chỉ biên phòng mà cả lực lượng công an đang làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới và mặt trận phòng chống dịch. “Chúng tôi cùng với Bộ đội biên phòng, cùng với quân đội kiểm soát vấn đề này, thế nhưng anh em thắc mắc là truyền hình, báo chí cũng chỉ nói về biên phòng, không thấy đề cập công an tham gia nhiệm vụ biên giới, thì vấn đề này cũng đề nghị báo chí tuyên truyền góp phần động viên, chỉ đạo của các lực lượng địa phương để đối phó với lực lượng biên giới, ở các cơ sở là rất quan trọng phục vụ việc này. Tình hình tội phạm buôn bán ma túy và dịch Covid sẽ còn rất phức tạp”- Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Những ai từ vùng dịch đi ra, “trốn” khai báo y tế sẽ bị xử lý hình sự 1
Phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 vào sáng nay 2/2

Nhấn mạnh việc không được chủ quan, nhưng không được hoảng loạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Y tế có chỉ đạo cụ thể, kịp thời để các địa phương có giải pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn với dịch bệnh biến thể mới này. Đặc biệt, khai báo y tế cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu và ý thức tự giác. Cùng với phòng chống dịch bệnh, Chính phủ cũng đang nghiên cứu vắc xin cho toàn dân: “Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái trách nhiệm trong vấn đề phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ngành y tế, các lực lượng công an, quân đội và hàng chục địa phương trong cả nước. Nhất là những vùng có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM và địa phương khác. Nhiều tình nguyện viên, các bác sĩ, các nhân viên ngày đêm lăn lộn cùng với các cơ quan chuyên môn để quyết tâm ngăn chặn. Nhiều lực lượng hăng hái trong phòng chống Covid-19 đã quyết tâm ngăn chặn hiệu quả 10 ngày đầu tiên trong phòng chống dịch Covid-19, quyết tâm giữ cho được, không để dịch bệnh lây lan”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu khắc phục các đợt rét đậm, rét hại, vùng lũ lụt, thiên tai để người dân vui xuân đón tết. Thúc đẩy 3 mặt kinh tế: Kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ngành ngân hàng và tài chính quan tâm, kích cầu đầu tư, thực hiện miễn giảm một số chính sách đã cho phép, kích cầu gói hỗ trợ thứ hai; Đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công, vốn ODA, nhất là các công trình trọng điểm. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, giải quyết hài hòa quan hệ thương mại các nước, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tận dụng các FTA, tạo thời cơ, môi trường thu hút đầu tư và các tập đoàn công nghệ lớn. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Đặc biệt thúc đẩy kinh tế tư nhân và chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đề nghị các bộ cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, phát triển rừng và cây xanh, theo dõi chặt chẽ thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, kết nối đưa hàng hóa ra nước ngoài. Thực hiện việc quy hoạch cấp quốc gia về quy hoạch phát triển ngành. Đảm bảo cho người dân được vui xuân đón tết an toàn. Trong đó, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là buôn bán pháo nổ, gian lận thương mại, đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam, đảm bảo thông suốt giao thông đi lại, trên tinh thần “không để ai thiếu tết”, “mọi gia đình đều có tết”.

Tháng đầu năm 2021, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi

Trước đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm 2021, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Dễ thấy nhất, đó là sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1/2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 27%. Đây là con số tăng trưởng khá tích cực.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước tính đạt gần 480 ngàn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2021 đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt gần 54 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 45% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 47%; nhập khẩu hàng hóa đạt gần 27 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 44%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 100 triệu đô la Mỹ.